Đông Nam Bộ giữ nhịp tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu trong tâm dịch
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong 7 tháng/2021 đạt 13,8 tỷ USD, trong đó, các DN đầu tư nước ngoài (FDI) trong các KCN xuất khẩu hơn 8 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do chịu tác động tiêu cực của làn sóng dịch lần thứ 4 nên kim ngạch xuất khẩu của những DN FDI trong các KCN trên địa bàn tỉnh chỉ tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Dự tính, trong quý III/2021, xuất khẩu của DN FDI cũng như DN có vốn đầu tư trong nước sẽ khó duy trì mức tăng trưởng khá, vì các DN vẫn đang phải phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất với rất nhiều khó khăn.
Thiết lập “ vùng xanh” cho khu vực khu công nghiệp |
Đồng Nai là nơi có nhiều DN FDI sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như giày dép, dệt may, máy móc thiết bị, máy tính, linh kiện điện tử, sản phẩm sắt thép... Đại dịch làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho nhiều công ty tại Việt Nam nên các DN tăng tìm mua nguyên liệu trong nước. Các DN FDI tại Đồng Nai đã nắm bắt nhu cầu trên để mở rộng tiêu thụ trong nước. Cụ thể, nhiều tập đoàn, DN FDI tại Đồng Nai chú trọng đến tiêu thụ sản phẩm ở nội địa hơn như Nestlé, Formosa, Hyosung, Schaeffler, Kenda, Fujitsu, Boss, Kiến Đạt...
Tính trong 7 tháng/ 2021, các DN FDI tiêu thụ ở thị trường nội địa gần 4,4 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã ký kết được hợp đồng cung ứng sản phẩm cho những công ty trong và ngoài tỉnh đã giúp cho Đồng Nai giữ vững được xuất siêu.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo bà Lê Bích Loan- Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) TP. Hồ Chí Minh cho hay trong 7 tháng/2021 giá trị sản xuất của KCNC đạt 12,9 tỷ USD tăng 29,4% so với cùng kỳ đạt 51,7% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 12 tỷ USD tăng 23,3% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh Bình Dương tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa đã “vượt bão Covid-19” đạt hơn 20 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước. Việc kim ngạch xuất khẩu tăng cao đã góp phần giúp tỉnh xuất siêu gần 4,5 tỷ USD.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 10/2021 thì tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn sẽ trở lại phục hồi tốt trong những tháng cuối năm. Các Sở, ngành chuyên môn cũng tính toán về phương án dịch bệnh được đẩy lùi sớm, các chỉ số sản xuất công nghiệp dự báo sẽ phục hồi nhanh trong quý IV; xuất khẩu đảm bảo duy trì tăng trên 26%; tổng mức đầu tư xã hội đạt trên 14%...
Để duy trì tăng trưởng sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, Bình Dương xây dựng chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN áp dụng tốt phương án "3 tại chỗ"; đẩy mạnh xét nghiệm, sàng lọc, phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho các công nhân nhằm tiến tới thiết lập “ vùng xanh” cho khu vực khu công nghiệp, chống đứt gãy sản xuất, cung ứng hàng hóa. Thời gian tới, tỉnh Bình Dương và các địa phương “vùng xanh” tiến hành chọn một số DN thí điểm tổ chức sản xuất theo mô hình công nhân một công ty ở cùng một địa điểm trọ đủ điều kiện an toàn, khi vào nhà máy được xét nghiệm sàng lọc theo quy định. Về tổ chức sản xuất, bảo đảm nhà trọ phải “xanh”, công nhân “xanh”, nhà máy “xanh”.
Hiện nay, cộng đồng DN kỳ vọng trong 1- 2 tháng tới sẽ có vaccine phòng Covid-19 tiêm đồng loạt cho người lao động trong các nhà máy và ngoài cộng đồng, dịch bệnh sẽ được khống chế tốt. Như vậy, DN có thể khôi phục sản xuất và tăng tốc để bù lại những ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh đang gây ra. Do đó, DN cần một giải pháp mới từ Chính phủ là linh hoạt trong điều hành kinh tế để các chuỗi sản xuất có thể khôi phục, hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu mới có thể duy trì được để đợi dịch lắng xuống sẽ phục hồi và tăng tốc.