CôngThương - Bộ cũng yêu cầu Chi cục quản lý thị trường các địa phương có đường biên giới phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tình hình XK thịt lợn trên địa bàn.
Nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong các tháng 5, 6, 7 do ảnh hưởng của dịch bệnh cuối năm 2010, số đầu lợn giảm 3,7%, nhất là đàn lợn nái giảm tới 8,6%. Ngoài ra, tình hình sản xuất chăn nuôi giữa các vùng không đều, các hộ chăn nuôi nhỏ bỏ chăn nuôi vì tâm lý ngại dịch bệnh, giá đầu vào tăng; trong khi các trang trại thiếu hụt giống và tiếp cận nguồn vốn khó khăn cũng là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt trên thị trường...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa |
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thịt hơi các loại sản xuất trong cả nước đạt khoảng 2.438,6 ngàn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó, thịt lợn, thịt gia cầm chiếm vai trò chủ đạo. Giá thịt lợn trên thị trường vẫn trong xu hướng tăng. Hiện giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc đã tăng khoảng từ 66-80%. Tại thị trường miền Nam tăng 53-71% so với tháng 1/2011. Thịt lợn mông sấn cũng tăng mạnh tuy mức tăng không cao như thịt lợn hơi, tại miền Bắc giá tăng khoảng 21-25%. Tại miền Nam tăng khoảng 21-23%.
Nguồn cung thực phẩm chưa thể nhanh chóng phục hồi do cần có độ trễ nhất định để tái sản xuất sau dịch bệnh. Ngoài ra, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao cũng đang hạn chế người dân tái đàn, mở rộng chăn nuôi. Mùa mưa bão có thể gây ảnh hưởng nguồn cung hàng hóa dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT họp đánh giá đầy đủ tình hình cung - cầu thực phẩm 6 tháng cuối năm 2011, để kịp thời thông tin đến người tiêu dùng, ngăn ngừa tình trạng tăng giá bất hợp lý trên thị trường.
Với mức giá cao như hiện nay sẽ khuyến khích người chăn nuôi tái đàn và tăng nguồn cung cho thị trường trong vài tháng tới. Nhưng vấn đề đặt ra, làm sao để giữ giá ổn định ở mức hợp lý, có lợi cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường, giá các loại sản phẩm chính để thông tin cho DN sản xuất và người tiêu dùng yên tâm, từ đó điều tiết được thị trường.