Theo kế hoạch chuyển đổi số 1926, ngành Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025, về quản lý nhà nước có 100% thủ tục hành chính của Sở có đủ điều kiện sẽ được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng (trừ văn bản mật).
Đặc sản tỉnh Đồng Tháp bán trên sàn thương mại điện tử postmart.vn (Ảnh minh họa -chụp màn hình postmart.vn) |
Đối với lĩnh vực công nghiệp, có 80% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; có 3 doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một hệ thống của mô hình nhà máy thông minh như quản lý sản xuất tích hợp tập trung, hệ thống hoạch định tài chính doanh nghiệp, hệ thống quản lý kho thông minh, hệ thống lập kế hoạch và quản lý sản xuất; hệ thống kết nối vạn vật công nghiệp...
Về lĩnh vực thương mại, có 60% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử; 55% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng và chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện ích chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng; 100% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được kinh doanh trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, có 200 doanh nghiệp được cấp tài khoản, sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Định hướng đến năm 2030, về quản lý nhà nước có 100% thủ tục hành chính của Sở được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của Sở.
Đối với lĩnh vực công nghiệp có 100% doanh nghiệp công nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 10 doanh nghiệp ứng dụng hệ thống mô hình nhà máy thông minh... Đối với ngành điện, duy trì công tác số hóa tài liệu lưu trữ, hồ sơ dịch vụ khách hàng và cung cấp cho khách hàng số liệu đo đếm thông qua ứng dụng theo hướng trực tuyến toàn diện; duy trì thực hiện số hóa thiết bị điện từ hạ thế trở lên. Duy trì, nâng cấp thiết bị, phần mềm ứng dụng công việc hiện trường được thực hiện trên thiết bị di động và cập nhật trực tuyến về hệ thống để giải quyết một cách kịp thời; hoàn thiện và nâng cấp ứng dụng di động hiện trường để cảnh báo sự cố; định vị vị trí thiết bị; 100% công tơ cơ được thay thế bằng công tơ điện tử, lắp đặt hệ thống đo ghi từ xa.
Trong khi đó lĩnh vực thương mại có 70% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Duy trì 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng tiện ích chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt phục vụ người tiêu dùng; duy trì 100% sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Công Thương Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện một số nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; phát triển chính quyền số…
Về giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, ngành Cônh Thương tổ chức tập huấn, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực, khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất cải tiến mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời, tiếp tục phát triển thương mại điện tử, cũng như chú trọng việc xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử.
Song song đó, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực công nghiệp. Thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp, máy móc công nghệ hiện đại. Chú trọng chuyển đổi số lĩnh vực năng lượng; thu hút đầu tư, phát triển nhà máy thông minh, tiết kiệm năng lượng. Kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Cùng với đó phối hợp các ngành liên quan thúc đẩy phát triển kinh tế số, chuyển đổi cho các doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.