Tiền Giang: Đề xuất Bộ Công Thương tháo gỡ vướng mắc ở các khu, cụm công nghiệp Tiền Giang: Sắp có thêm 2 khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động |
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 11,79% so cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,6%, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành công nghiệp Tiền Giang.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2024 của Tiền Giang tăng 11,79% so cùng kỳ. Ảnh: Thanh Minh |
Trả lời phóng viên Vuasanca , ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, cho biết: Với định hướng phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Sở Công Thương tiếp tục theo dõi nắm tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.
Đặc biệt, nhằm khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững, Sở tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp, nắm bắt thông tin có liên quan đến công tác triển khai hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ đó, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2, Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết thêm, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Trong đó có một cụm công nghiệp do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư còn quỹ đất để phát triển, ba cụm công nghiệp còn lại đã đi vào hoạt động và sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Đặc biệt, hiện có 4 cụm công nghiệp (Gia Thuận 2; Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3) và Khu công nghiệp Tân Phước 1 (diện tích 470 ha) đã có quyết định về đầu tư và các doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục về pháp lý, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt để bắt tay vào đầu tư hạ tầng. Những khu, cụm công nghiệp được dự kiến xây dựng mới vào năm 2025. Qua đó, giúp cho tỉnh có thêm quỹ đất để thu hút đầu tư và kích thích phát triển công nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2025, dự kiến sẽ có thêm Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đi vào hoạt động. Hiện khu công nghiệp này đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để Chính phủ chuyển giao cho tỉnh để khai thác.
“Ngoài ra, còn có 4 cụm công nghiệp nữa đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ, nếu trong 2025 tất cả các thủ tục pháp lý xong, sẽ được tỉnh cấp giấy phép đầu tư. Sau đó có thể triển khai hạ tầng đầu tư kỹ thuật và đến năm 2026 sẵn sàng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi đầu tư”, ông Lưu Văn Phi thông tin.
Hiện Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục để mời gọi nhà đầu tư sản xuất công nghiệp tại khu đất 200 ha thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) và khu đất 54,97 ha tại xã Tam Hiệp và xã Long Định (huyện Châu Thành)… Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.
Hiện nay, theo quy hoạch tổng thể tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh Tiền Giang có 30 cụm công nghiệp (với tổng diện tích 1.476 ha) và 11 khu công nghiệp. Trong đó, những khu cụm công nghiệp hiện hữu vẫn còn quỹ đất trống để kêu gọi đầu tư. |