CôngThương - Quy mô lớn, công nghệ hiện đại
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn - Phó giám đốc Dự án khai thác Hầm lò mỏ than Núi Béo - cho hay, dự án có công suất thiết kế 2 triệu tấn than nguyên khai/năm, được khai thông bằng cặp giếng đứng xuống đến mức -410m. Mặt bằng sân công nghiệp được đặt gần khai trường của đơn vị hiện nay. Công nghệ khai thác sẽ chủ yếu được áp dụng cơ giới hóa với sản lượng mỗi lò chợ từ 200.000 đến 600.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng. Trữ lượng địa chất thăm dò đạt 78 triệu tấn, trong đó trữ lượng địa chất huy động 68 triệu tấn và trữ lượng công nghiệp đạt trên 51 triệu tấn, tại các vỉa than V13, V11, V10, V9, V7, V6.
Dự án với các hạng mục như: Giếng đứng chính được đào từ mặt bằng mức +35 xuống mức -410m, dài 445m, đường kính giếng 6m, diện tích đào 40 m2, diện tích sử dụng 28 m2, chiều dày vỏ chống bê tông cốt thép liền khối 0,6m, được trang bị thùng skip vận chuyển than. Giếng đứng phụ cũng được đào từ mặt bằng sân công nghiệp +35 xuống mức -370m, dài 405m, đường kính giếng 6m, diện tích đào 40 m2, diện tích sử dụng 28 m2, chiều dày vỏ chống bê tông cốt thép liền khối 0,6m, được trang bị thùng cũi để vận chuyển người, thiết bị, vật liệu…
Từ khu vực phân tầng, xây dựng hệ thống sân ga, các đường lò xuyên vỉa, dọc vỉa gặp các vỉa than để chuẩn bị các lò chợ tại các mức -140m; -350m. Khai trường mỏ được phân thành 5 khu khai thác dựa vào sự phân cắt bởi các phay phá kiến tạo. Dự án thiết kế gồm 6 lò chợ, trong đó có 2 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khấu than bằng máy combai kết hợp với giàn chống tự hành, công suất từ 400 ngàn đến 600 ngàn tấn/năm; 2 lò chợ giá khung di động hạ trần thu hồi than nóc, công suất 250 ngàn tấn/năm; 2 lò chợ giá khung di động khai thác hết chiều dày vỉa công suất 200 ngàn tấn/năm. Trình tự khai thác của các lò chợ được thiết kế khấu giật từ biên giới khai trường các khu về thượng trung tâm và được bố trí khai thác trên cơ sở tận dụng tối đa tài nguyên. Hệ thống khai thác chia cột dài theo phương, điều khiển đá vách bằng chèn lò toàn phần khi trên bề mặt khu khai thác có các công trình cần bảo vệ.
Theo tài liệu địa chất, mỏ Núi Béo được xếp hạng loại II theo khí mêtan. Dự án áp dụng phương pháp thông gió hút với 1 trạm quạt gió chính đặt tại mặt bằng +35. Công tác thoát nước bằng phương pháp cưỡng bức bơm theo đường ống từ các mức
-140m và -350m lên mặt bằng sân công nghiệp +35 có qua hệ thống xử lý trước khi thải ra môi trường. Tại các đường lò áp dụng phương pháp vận tải bằng băng tải, máng cào, máng trượt phù hợp với từng vị trí…
Từ nỗ lực của các đơn vị thực hiện...
Do tính chất quan trọng của dự án, Vinacomin đã thành lập Ban chỉ đạo dự án và phân công các đơn vị thực hiện cụ thể, nhằm đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro. Các đơn vị chính được giao nhiệm vụ là Công ty Cổ phần than Núi Béo (chủ đầu tư); Viện Khoa học công nghệ mỏ (tổng thầu tư vấn, thiết kế); Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 (tổng thầu thi công xây dựng) và Công ty Cổ phần Chế tạo máy (tổng thầu chế tạo, cung cấp thiết bị cho dự án).
Đến nay, các đơn vị được giao nhiệm vụ đã và đang triển khai thực hiện tương đối bài bản các bước công việc để thi công đảm bảo tiến độ đề ra, phấn đấu ra những tấn than đầu tiên vào năm 2015. Nếu đảm bảo tiến độ, đến năm 2017, Công ty Cổ phần than Núi Béo sẽ dừng hoàn toàn khai thác lộ thiên. Đến nay, Viện Khoa học công nghệ mỏ đã hoàn thành các bản vẽ thiết kế thi công, dự toán… được phê duyệt. Công ty Xây dựng mỏ hầm lò 1 đang làm thủ tục cho 60 công nhân đào lò, gồm 2 lớp đi học ở Nga chuyên ngành về đào giếng đứng. Đợt học tập này còn có 4 cán bộ Viện Khoa học công nghệ mỏ và 3 cán bộ Công ty Cổ phần than Núi Béo cùng đi. Công ty Cổ phần Chế tạo máy cũng đã đi thăm quan, học tập mô hình và thiết bị của một số mỏ than giếng đứng tại Nga để về áp dụng phù hợp với dự án.
…đến những kỳ vọng
Theo Thạc sỹ Trần Quốc Tuấn, hiện nay Công ty Cổ phần than Núi Béo đang khai thác lộ thiên tại khu vực thuộc phường Hà Tu, TP. Hạ Long với mức sản lượng cao nhất tập đoàn, lên đến gần 6 triệu tấn/năm. Với sản lượng cao như vậy, phần khai thác lộ thiên của Núi Béo dự kiến sẽ chấm dứt sau những năm 2015. Do vậy, để duy trì sản lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, việc xây dựng mỏ hầm lò Núi Béo là nhiệm vụ quan trọng được lãnh đạo tập đoàn đặc biệt quan tâm, đẩy nhanh tiến độ để sao cho kịp gối đầu duy trì sản lượng của công ty trong những năm tới.
Điều đặc biệt, đây là dự án khai thác hầm lò đầu tiên khai thông bằng giếng đứng do trong nước tự tổ chức, thiết kế, thi công. Mặc dù có thể sẽ có những nhà thầu phụ, có những chuyên gia nước ngoài giúp đỡ, nhưng lãnh đạo Vinacomin kỳ vọng, dự án sẽ là tiền đề nâng cao trình độ quản lý của cán bộ, công nghệ chế tạo thiết bị của các đơn vị cơ khí và nâng cao tay nghề công nhân đào lò, để sau này có thể tự triển khai các dự án than hầm lò trọng điểm khác.
Với những nỗ lực cao trong việc triển khai thực hiện dự án, hy vọng dự án sẽ mang lại hiệu quả, làm tiền đề xây dựng hàng loạt các mỏ hầm lò mới bằng phương pháp giếng đứng của Vinacomin trong thời gian tới.