Được biết, trước đó Công ty TNHH MTV môi trường tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư dự án (DA). Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, ngày 9/10/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2285/ QĐ- UBND phê duyệt tiếp nhận Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt cho Công ty CP môi trường APT- Seraphin Hải Dương quản lý, vận hành. Theo đó, phần vốn đối ứng của tỉnh đầu tư cho nhà máy khoảng 77,677 tỷ đồng. Công ty APT thay mặt UBND tỉnh trả tiếp phần nợ gốc và tiền lãi khoản vốn vay ODA.
Nhưng. khi đi vào vận hành, sản phẩm phân hữu cơ của Công ty APT không tiêu thụ được nên dây chuyền sản xuất phân vi sinh phải tạm dừng hoạt động. Do Công ty APT không thực hiện việc đầu tư lò đốt công suất 6 tấn/giờ và đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị theo phương án tiếp nhận, dẫn đến tình trạng lượng rác tồn đọng do không xử lý kịp, hiện đang tập kết tại nhà máy là rất lớn. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác tồn đọng khoảng 22.000 tấn, cộng với lượng phân vi sinh không tiêu thụ ủ thành mùn, đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến ngày 5/1/2015, Công ty APT xin trả lại DA do không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư, vận hành nhà máy.
Ngày 11/5/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương có văn bản số 529/BC- KHĐT- TĐ ĐT chấp thuận chủ trương cho Công ty CP môi trường Bắc Việt tiếp nhận vận hành nhà máy. Ông Nguyễn Hải Châu- Trưởng Phòng thẩm định và đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư)- cho biết: Các cổ đông của Công ty Bắc Việt như: Công ty CP môi trường Quế Võ; Công ty CP đầu tư Newlan; Công ty TNHH Tràng An Xanh Hà Nội, HTX Thành Công... là những đơn vị có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thu gom và xử lý rác thải. Tỉnh Hải Dương có thể yên tâm khi lựa chọn Công ty Bắc Việt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Tràng An Xanh Hà Nội, HTX Thành Công đã xin rút khỏi DA. Một lần nữa, tỉnh Hải Dương lại rơi vào tình trạng đi tìm “chủ nhân” cho DA. Cực chẳng đã, Công ty APT vẫn phải tiếp tục xử lý rác thải của nhà máy cho đến khi tỉnh Hải Dương tìm được “chủ” mới.
Từ thực tế yêu cầu cấp bách về xử lý rác thải sinh hoạt, sự không phù hợp của công nghệ chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt so với thực tế rác thải của tỉnh, việc tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh công nghệ, đầu tư bổ sung máy móc thiết bị để vận hành có hiệu quả Nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt là hết sức cần thiết. UBND tỉnh Hải Dương cần nhanh chóng lựa chọn doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm, không để tình trạng ùn ứ nhiều rác như hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, lượng rác tồn đọng khoảng 22.000 tấn, cộng với lượng phân vi sinh không tiêu thụ ủ thành mùn, đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |