CôngThương - Sau khi Báo Đầu tư có thông tin về việc dự án có tổng vốn đầu tư 266 triệu USD nêu trên chưa có kế hoạch khởi công, ông Trần Khang Thụy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học kinh tế (CESAIS - Trường đại học Kinh tế TP.HCM), là đối tác và đại diện của Enfinity Asia Pacific Limited (Tập đoàn Enfinity - Vương quốc Bỉ) cho các dự án sản xuất điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam, cho biết, vào thời điểm này.
Dự án đang tiến hành bàn thảo các phương án đền bù giải phóng mặt bằng trên diện tích hơn 553 ha với Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận và các huyện liên quan để trình UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt.
“Chúng tôi xác định nguyên tắc với lãnh đạo địa phương là việc hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được thỏa thuận thỏa đáng để đảm bảo đẩy nhanh công việc, vì thời gian khởi công dự án đang phụ thuộc rất lớn vào tiến độ phần việc này”, ông Thụy nói và cho biết:
Phần diện tích được bàn giao, vì một số lý do, đã giảm đi tới 2/3 so với diện tích 1.767 ha đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận địa điểm đầu tư theo Văn bản 554/UBND-TH ngày 5/2/2010.
Chính sự thay đổi trên buộc chủ đầu tư phải tiến hành làm lại hồ sơ dự án, nghiên cứu lại công suất, vị trí lắp đặt trụ gió. Phần điều chỉnh hồ sơ đã được hoàn tất.
Bên cạnh đó, do Dự án chỉ được chấp thuận triển khai nhà máy điện gió trước, chứ không triển khai cùng một lúc nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió sản xuất tích hợp trên cùng một diện tích, nên để tiết kiệm chi phí đầu tư và tăng năng suất, bảo đảm hiệu quả kinh tế của Dự án với mức giá điện đề nghị là 9 UScent/kWh như đã đưa ra, chủ đầu tư đang phải tính toán lại để tăng công suất lắp đặt của 83 tuabin gió, từ 1,5 MW/tuabin lên 2,3 MW/tuabin hoặc hơn nữa.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành lập dự án, đàm phán với công ty tư vấn nước ngoài về việc thẩm định dự án, để phối hợp cùng đơn vị tư vấn Việt Nam lập dự án đầu tư”, ông Thụy thông tin thêm và cho biết, với việc thực hiện song song, dự kiến quy trình này có thể hoàn tất vào tháng 2/2012, làm cơ sở để triển khai các hợp đồng về tài chính cho dự án với các ngân hàng nước ngoài và nhà cung cấp thiết bị, công nghệ.
Theo dự án ban đầu, Nhà máy điện dùng năng lượng tái tạo Phước Nam - Enfinity (Ninh Thuận) có công suất 124,5 MW điện gió và 282 MW điện mặt trời (vốn đầu tư dự kiến cho nhà máy điện mặt trời là 499 triệu USD), được sản xuất tích hợp trên cùng một diện tích với điện gió theo công nghệ mới, nhằm giảm thiểu tính bất ổn của điện gió hoặc điện mặt trời.
Hiện tại, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ dự án điện gió theo giấy phép, chủ đầu tư cho biết, đã hoàn thành Báo cáo đầu tư với mức giá đề nghị là 15 UScent/kWh của điện mặt trời, thay vì mức 19,3 UScent/kWh như báo cáo đầu tư để xin giấy phép đầu tiên.
Báo cáo này sẽ được hoàn thiện và dự kiến trình xin giấy chứng nhận đầu tư vào đầu năm 2012.
Trong lúc này, theo ông Thụy, Công TNHH một thành viên Enfinity Ninh Thuận cũng đang tiến hành đàm phán với các nhà cung ứng thiết bị phong điện lớn để chọn lựa nhà cung ứng giải pháp công nghệ, thiết bị, kể cả việc đã mời họ vào khảo sát thực địa tại tỉnh Ninh Thuận.
Được biết, vào đầu tháng 11/2011, Công ty cổ phần Phong điện Fuhrlaender Việt Nam đã hoàn tất hợp đồng lắp đặt hoàn chỉnh trụ đo gió cho Công TNHH một thành viên Enfinity Ninh Thuận tại khu vực được cấp chứng nhận đầu tư.
“Việc thu thập dữ liệu gió trong giai đoạn này rất cần thiết cho việc lập dự án đầu tư và triển khai Dự án, vì số liệu trong Báo cáo đầu tư do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 thực hiện được thu thập từ năm 2006 cần được xác minh và cập nhật thêm khi chúng tôi đã quyết định nâng công suất của tuabin”, ông Thụy nói