Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương đã cơ bản hoàn thiện
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Ban soạn thảo đã khẩn trưởng rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV tới đây |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật quản lý ngoại thương. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật gồm 8 chương và 117 điều, trong đó thêm hai điều, gộp hai điều thành một điều và bổ sung một số điểm, khoản và gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá cao công tác tiếp thu ý kiến và sửa đổi, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự thảo luật.
Thảo luận chi tiết, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh, luật này được ban hành sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động ngoại thương, xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất, nhập cảnh người và phương tiện giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các địa phương sẽ rất hoan nghênh.
Lý giải cho nhận định này, ông Võ Trọng Việt cho rằng, nếu trước đây quy định lối mở biên giới do Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau giao cho Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định và nay trong dự thảo luật quy định theo hướng phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định.
"Đây là quy định mở, sáng tạo và linh hoạt" - ông Việt nói và nhớ lại, ngày trước để được cấp phép lối mở rất "cơ cực".
Tuy nhiên, vị nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cũng lưu ý, đối với việc cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, dù trong dự thảo luật đã quy định theo hướng đơn giản nhất, thuận lợi nhất, song trên thực tế chưa hẳn đã thực hiện được như vậy. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có ý kiến về công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu; phí, lệ phí vẫn đang bị kêu ca là "quá tải", nhất là loại phí không chính thống...
Về hoạt động biên mậu và chính sách đối với cư dân biên giới, ông Võ Trọng Việt thể hiện quan điểm ủng hộ và dẫn chứng, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt và kịp thời điều chỉnh chính sách này nên cư dân khu vực biên giới nhiều địa phương của nước ta đã có viêc làm, thu nhập tăng khá, như tại Cao Bằng, Lai Châu...
Ngoài ông Võ Trọng Việt, tại phiên họp chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị làm rõ hơn quy định về cơ quan quản lý nhà nước tham gia giải quyết tranh chấp về ngoại thương; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Thị Mai nêu băn khoăn về quy định liên quan đến hoạt động quá cảnh hàng hóa; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề liên quan đến quy định giao Thủ tướng Chính phủ quy định về việc cấm hoặc cho phép nhập khẩu một số mặt hàng...
Lần lượt giải trình, làm rõ thêm các nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trước hết, quy định về giải quyết tranh chấp ngoại thương là giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước - Nhà nước. Các cơ quan giải quyết những tranh chấp này đã được quy định trong các hiệp định thương mại, hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là một bên ký kết.
"Vì vậy, thẩm quyền giải quyết những tranh chấp ngoại thương (dù phía Việt Nam là bên nguyên đơn hay bị đơn - PV) sẽ thuộc về cơ quan do các hiệp định mà chúng ta tham gia ký kết xác định" - Thứ trưởng Khánh giải thích.
Giải trình ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, quy định về quá cảnh hàng hóa là khi hàng hóa vào đến địa phận Việt Nam sẽ được niêm phong kẹp chì và buộc phải để "nguyên đai, nguyên kiện" ra khỏi lãnh thổ Việt Nam theo đúng tuyến đường do phía Việt Nam chỉ định.
"Không có khái niệm nhập khẩu vào sau đó kiểm tra đầu ra bằng khối lượng" - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh và cho biết thêm, hàng hóa quá cảnh không được phép mở ra, cho vào kho và sau một thời gian mới xuất cảnh và quy định về hàng quá cảnh hoàn toàn khác với hàng tạm nhập, tái xuất.
Về nội dung liên quan đến ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ, ở nước ta, dù nằm trong danh mục các mặt hàng cấm nhập khẩu, xuất khẩu nhưng vẫn có những mặt hàng đặc biệt phải xuất khẩu, nhập khẩu và trường hợp này phải có giấy phép đặc biệt, như: vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng... Do đó, trong những trường hợp này, Thủ tướng sẽ quyết định việc cho phép nhập khẩu, xuất khẩu.
Trong phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về kỹ thuật lập pháp. Về những nội dung này, Thứ trưởng Khánh cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật - trong thời gian sớm nhất.