Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu gạo |
BÀI 1: CÁI ÁO QUÁ CHẬT
Chưa “giải phóng” được hạt gạo
Phân tích những tồn tại và bất cập liên quan đến Nghị định 109/2010/NĐ-CP (Nghị định 109), ông Hoàng Trọng Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam - cho biết: Nghị định 109 không “giải phóng” được hạt gạo, do các quy định đặt ra cho XK như phải có diện tích đủ lớn, quy định về điều kiện xay xát, kho dự trữ, lượng dự trữ để lại sau khi XK… Những quy định này về mặt lý thuyết cực kỳ chặt chẽ, nhưng về mặt thực tiễn, các đơn vị không kiểm soát được dẫn đến chuyện gian lận. Thực tế, không có DN nào có đủ điều kiện để liên kết với nông dân đáp ứng được quy định về diện tích là trên 300 ha, 500ha, hay 1.000 ha.
Ông Hoàng Trọng Thủy cho rằng, những quy định này không động viên được DN làm thương hiệu gạo, không khuyến khích DN làm XK.
Về phía các địa phương, ông Nguyễn Văn Công - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho hay, hoạt động XK gạo hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thời hạn kiểm tra thực tế vùng nguyên liệu, hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ, Sở trình UBND tỉnh xem xét, xác nhận trong thời hạn 7 ngày là khó thực hiện. Việc xây dựng vùng nguyên liệu không phù hợp với các DN chuyên sản xuất, kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ vì đòi hỏi DN phải có vốn lớn, nhân sự chuyên môn cao… thì tổ chức sản xuất mới có hiệu quả.
Ông Hoàng Trọng Thủy - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam: Dự thảo Nghị định mới đã bớt đi giấy phép con, tạo động lực cho DN tìm thị trường. Điều này sẽ giúp đặt nền tảng xây dựng hạt gạo theo thương hiệu của các DN và xây dựng thương hiệu gạo quốc gia; đồng thời đặt nền móng hình thành sản xuất, XK gạo theo chuỗi. |
Cần gỡ rào, giúp gạo Việt “cất cánh”
Việc sửa đổi các quy định bất cập tại Nghị định 109 để loại bỏ các rào cản đối với mặt hàng gạo của Việt Nam là hết sức cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 109 cần phải được sửa theo hướng tạo điều kiện cho các DN đều có thể XK.
Ông Hoàng Trọng Thủy cho biết, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có đưa ra quy định về việc Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan liên quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu. Theo ông Thủy, việc này sẽ sinh ra giấy phép con và tạo ra nhiều thủ tục vòng vèo, cản trở XK gạo. Việc Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chuẩn này chỉ để giúp các DN có căn cứ để tiến hành thu mua hoặc liên kết trong sản xuất.
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định, TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho rằng, điều kiện về vùng nguyên liệu vẫn nên giữ, nhưng nên để ở dạng khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ chứ không nên coi là điều kiện bắt buộc để trao quyền kinh doanh cho DN.
TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng chính sách cần hướng vào các DN nhỏ giúp họ có thể mở rộng quy mô; chính sách cũng cần gắn với nông dân và xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển thị trường. Câu chuyện chính sách lúa gạo cần tính đến các giải pháp thị trường chứ không phải là các công cụ quản lý hành chính. Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đã gỡ rào, giúp thêm nhiều DN có thể gia nhập thị trường XK gạo, giúp nông dân có thêm lựa chọn khi bán gạo cho các DN XK, từ đó nâng cao vị thế của nông dân trong việc đàm phán, tránh bị ép giá như thời gian qua.
Với DN, ông Lâm Tuấn Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát - kiến nghị: Các quy định trong Nghị định 109 cần được thay bằng các điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo một bộ tiêu chuẩn gắn với thương hiệu quốc gia. Mặt khác, nên để các DN nhỏ tự XK các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam để họ có thể khai phá các thị trường khó tính, thị trường ngách. Bên cạnh đó, nên để các DN tự tham gia các hợp đồng XK tập trung và DN đàm phán trực tiếp, nhà nước chỉ cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá gạo và tiếp cận hệ thống phân phối ở nước ngoài.
(Còn nữa)