Đưa ánh sáng về thôn, bản
Đưa điện về các xã vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên
- Gần 200 hộ dân sinh sống tại 4 làng Krong Tu, Krong Hra, Muôn (xã Yang Bắc, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) vẫn không quên được cảm xúc vui mừng ngày đầu khi được thấy ánh đèn sáng lên nhờ nguồn điện lưới quốc gia. Từ bao năm qua, mọi sinh hoạt đều dựa vào ánh sáng của bếp lửa được đốt lên từ củi rừng. Trong niềm vui khôn tả, già làng Krong Tu nói: Sau bao năm chờ đợi nay làng mình đã có điện, nhà nhà đều vui!
Tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - nơi sinh sống của 112 hộ đồng bào Mông, khi có điện về, nhiều nhà mua được máy thu hình, nồi cơm điện, quạt điện, máy bơm nước... về dùng nên không khí trong xã thay đổi hẳn. Hằng đêm, người dân cũng thức khuya hơn để nghe đài, con em trong thôn có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc biệt, kể từ khi có điện đến nay, tình hình an ninh trật tự được ổn định hơn.
Con đường nối buôn A Yun với buôn Wing, xã Ea Kuếk, huyện Cư M’gar (Đắk Lắc) chạy thẳng tắp và rộng rãi. Hai bên đường, những ngôi nhà sàn khang trang, bề thế nằm xen giữa những lô cà phê xanh ngát đang mùa trổ hoa. Hàng trụ điện cao thế, hạ thế đi chung vừa xây dựng chạy song song với con đường. Sau đó, đường điện đã được kéo đến từng hộ gia đình.
Đó chỉ là một phần kết quả thuộc dự án “Cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 1”. Kết thúc giai đoạn 1, dự án đã tiến hành giai đoạn 2 (2011 - 2016). Đây là dự án của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện thực hóa, chính quyền các địa phương phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung tiến hành. Mục đích của dự án nhằm giúp đỡ đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh quốc phòng khu vực Tây Nguyên. Các dự án đã thể hiện rõ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cho khu vực đồng bào vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng, thu hẹp khoảng cách với các vùng nông thôn khác và với khu vực thành thị.
Ông Lê Hoài Nhơn, Phó giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Đắk Lắk (Tổng công ty Điện lực miền Trung) cho biết, trong giai đoạn 1 đã đưa điện về thôn, bản về 314 thô, buôn với khoảng 20.000 khách hàng. Việc thi công công trình cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở Tây Nguyên rất khó khăn, vất vả bởi hầu hết công trình xây dựng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi giao thông đi lại còn khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo nàn. Ví dụ như ở các thôn của xã Đắk Rla, huyện Đắk Min (Đắk Nông), đơn vị thi công phải san ủi hàng chục ki-lô-mét đường mới vận chuyển được trụ điện và nguyên vật liệu khác vào điểm thi công; khoan đào đá tảng mới thi công được móng trụ điện. Hoặc tại thôn 7, xã Cư Króa, huyện M’Đrắc (Đắk Lắk), đơn vị thi công phải sử dụng bè nứa để chuyên chở trụ điện cũng như vật liệu xây dựng qua sông vào địa điểm thi công. Ở nhiều thôn, buôn xa xôi, định mức đầu tư công trình điện lên tới hơn 20 triệu đồng/hộ. Hay tại huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, những người thi công lưới điện có khi đi thì được, về không được vì lũ đổ về, có những khu vực mà người dân cách xa đến hàng 50 ki-lô-mét. Do đó, trong giai đoạn 2, ngành điện miền Trung xác định tập trung vào hơn 600 thôn, buôn chưa có điện, trong đó ưu tiên trước những thôn, buôn cần thiết nhất. Về kinh phí, do vốn đầu tư lớn, để làm sớm, Sở Công Thương một số tỉnh đã tiến hành làm chủ đầu tư sau đó chuyển cho ngành điện trên địa bàn tỉnh. Đây được đánh giá là cách làm hay, nhanh, sớm đưa điện về với buôn làng.
Dự án cấp điện cho các thôn, buôn chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên góp phần thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, để từ đó tạo tiền đề đưa Tây Nguyên từng bước phát triển theo kịp các khu vực khác trong cả nước. Bằng nhiều biện pháp và nguồn vốn thích hợp, đến nay, toàn miền Trung - Tây Nguyên đã có 100% số huyện, 99,3% số xã, 97,25% số hộ nông thôn, miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia. Mục tiêu của Tổng công ty Điện lực miền Trung: “Đến năm 2015 là 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện. Năm 2020, cơ bản tất cả các xã, các thôn, làng và người dân nông thôn miền Trung - Tây Nguyên đều có điện”. |
Nguyễn Hải