Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023, mặc dù GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05%, thấp hơn so với mức 8,02% của năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Theo ông Alexander Ziehe, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA), trước đây, đầu tư trực tiếp (FDI) từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng này đang dần thay đổi khi Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Với mức chi phí đầu tư thấp, vị trí địa lý thuận lợi, cũng như chuỗi cung ứng gần Trung Quốc, các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư Đức bởi thị trường người tiêu dùng trung lưu ngày càng lớn mạnh.
Tính đến hết năm 2023, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 463 dự án tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Năm 2024, xu hướng đầu tư của Đức tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điều này được củng cố bởi chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier trong tháng 1/2024 cùng đoàn doanh nghiệp cấp cao để thảo luận về cơ hội cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Trước đó, trong một khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) công bố năm 2023, các doanh nghiệp Đức nhìn nhận, Việt Nam là điểm sáng đầu tư với khả năng phục hồi nền kinh tế lạc quan. 91% nhà đầu tư Đức mong muốn tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Khoảng 40% trong số họ có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới. 57% doanh nghiệp Đức đang tìm nhà cung cấp mới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.
Các lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư Đức là máy móc, điện tử thiết bị, hóa chất… Đầu tư từ Đức vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong lĩnh vực năng lượng và các công nghệ liên quan đến môi trường xanh, tiết kiệm tài nguyên và lĩnh vực công nghệ thông tin.
Lũy kế đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư 463 dự án, với tổng vốn đăng ký lên tới hơn 2,683 tỷ USD, đứng thứ 17 trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, hơn một nửa tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết nhà máy sản xuất của Đức đều nằm ở miền Nam, đặc biệt là tại Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Những khoản đầu tư lớn nhất ở miền Nam thuộc về Bosch (cơ khí ô tô), tiếp theo là STADA (dược phẩm).