Hộp thư bạn đọc ngày 6/9: Điện lực Hoài Đức "vô tư" cấp điện cho hàng loạt công trình có dấu hiệu sai phép? |
Theo phản ánh, trong suốt thời gian dài, vấn đề xây dựng trái phép đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội.
Đơn cử như tại ngõ 308, đường Đức Thượng từ lâu đã trở thành "điểm nóng" về sai phạm tại địa phương này. Trước đây, toàn bộ khu đất trong ngõ 308 là đất ruộng trồng lúa của người dân thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng. Từ năm 2018, tình trạng xây dựng trái phép tại đây bắt đầu "nở rộ". Tuy nhiên trong suốt thời gian dài, chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Theo tìm hiểu, tại đây có hàng loạt xưởng sản xuất rộng hàng nghìn m2 đã đi vào hoạt động và sản xuất trong suốt thời gian dài. Hiện nay, có rất nhiều công ty thuê các nhà xưởng tại đây để làm kho hàng và sản xuất liên tục. Số lượng các xưởng ở đây đã được lấp đầy.
Dãy nhà xưởng sản xuất rộng hàng nghìn m2 ngang nhiên tồn tại trên đất nông nghiệp |
Xưởng sản xuất mọc trên đất nông nghiệp |
Bên cạnh đó, những ngôi nhà tầng được xây dựng kiên cố, khang trang cũng ngày càng mọc lên nhiều. Theo khảo sát, các hộ dân tại đây cũng đã sinh sống ổn định trong suốt thời gian dài.
Trước đó, cơ quan chức năng còn cấp số nhà và lắp công tơ điện cho những ngôi nhà này. Đây là hành vi có dấu hiệu hợp thức hóa cho sai phạm tồn tại của chính quyền địa phương.
Những ngôi nhà xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp |
Liên quan vấn đề trên, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND xã Đức Thượng. Sau đó, phóng viên đã liên hệ và nhiều lần đến UBND xã Đức Thượng liên hệ làm việc nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xắp xếp được buổi làm việc.
Tiếp đó, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc với UBND huyện Hoài Đức. Ông Đinh Văn Âu, chuyên viên của Phòng Quản lý đô thị cho biết có thực trạng xây dựng trái phép trên địa bàn ngõ 308 đường Đức Thượng.
Liên quan đến công tác đánh số nhà, ông Âu cho rằng, UBND xã Đức Thượng là đơn vị mời thầu về việc đánh số nhà trên địa bàn xã. Sau khi đơn vị chuyên môn trúng thầu, họ sẽ rà soát và lập sơ đồ đánh số nhà. Sau đó, UBND xã báo cáo lên UBND huyện phê duyệt kết quả. Do đó, việc đánh số nhà là do UBND xã phụ trách và chịu trách nhiệm.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, ngày 13/5/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã có Văn bản số 303 BC/BTGTU gửi UBND huyện Hoài Đức khái quát thông tin phản ánh về việc bức xúc liên quan đến Hà Nội. Cụ thể, văn bản cho biết thông tin phản ánh tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngang nhiên đánh số nhà... nhằm hợp thức hóa xây dựng nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại ngõ 308 đường Đức Thượng đang gây bức xúc dư luận.
Văn bản số 949/UBND-QLĐT về việc kiểm tra, xử lý nội dung thông tin phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai, công tác đánh biển số nhà tại ngõ 308 đường Đức Thượng |
Theo đó, ngày 20/5/2022, UBND huyện Hoài Đức đã có Văn bản số 949/UBND-QLĐT về việc kiểm tra, xử lý nội dung thông tin phản ánh về vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm đất đai, công tác đánh biển số nhà tại ngõ 308 đường Đức Thượng.
UBND huyện Hoài Đức đã yêu cầu UBND xã Đức Thượng khẩn trương thực hiện các nội dung đề nghị của Phòng Quản lý đô thị, chủ động phối hợp các đơn vị triển khai thi công gắn biển số nhà trên địa bàn khẩn trương rà soát cụ thể từng trường hợp tại ngõ 308 đường Đức Thượng để tổ chức tháo gỡ, xử lý đối với các trường hợp sai phạm.
"Không thực hiện đánh số nhà và gắn biển số nhà cho các loại nhà ở, công trình xây dựng không phép hoặc trái phép trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng đất đai", Văn bản số 949 nêu rõ.
UBND huyện Hoài Đức cũng giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp UBND xã Đức Thượng trong quá trình tổ chức triển khai, kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND huyện phương án xử lý các trường hợp vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện trước 25/5.
Theo ông Âu, hiện nay các công trình sai phạm đã buộc phải tháo dỡ biển số nhà. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về công tác xử lý trách nhiệm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trên thì ông Âu chưa có câu trả lời cụ thể.
Liên quan đến việc cấp điện cho các công trình sai phạm hoạt động, ông Âu cho rằng, vấn đề này thuộc trách nhiệm của Công ty Điện lực Hoài Đức.
Theo tìm hiểu, các xưởng sản xuất ở đây được cho thuê với giá rất cao. Trong vai một người cần thuê xưởng để sản xuất, người dân nơi đây cho biết, những xưởng này hầu như đã kín hết. Theo tiết lộ, giá thuê mỗi xưởng trung bình từ 40-50 triệu đồng/tháng. Do đó, với hàng loạt nhà xưởng trái phép liên tục lấp đầy thì số tiền thu về không hề nhỏ.
Dư luận cho rằng, việc cho thuê các xưởng sản xuất trái phép này có yếu tố trục lợi. Vậy nguồn lợi bất chính hàng tháng sẽ chảy vào túi ai?
Nguồn lợi cho thuê những xưởng sản xuất trái phép như thế này sẽ "chảy" vào túi ai? |
Liên quan những sai phạm trên, dư luận cho rằng, chính quyền địa phương không những buông lỏng quản lý mà còn có dấu hiệu hợp thức hóa cho sai phạm tồn tại khi đánh số nhà cho các công trình sai phạm. Và, chỉ khi bị báo chí phản ánh thì những biển số trên công trình sai phạm mới được tháo gỡ?. Trong khi đó, các công trình sai phạm vẫn tiếp tục tồn tại và vẫn được cấp điện để sinh sống ổn định và sản xuất kinh doanh trái phép.
Việc các nhà xưởng sản xuất xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại không những vi phạm quy định của pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người lao động, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội và UBND huyện Hoài Đức sớm vào cuộc để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.