Được bán thêm cổ phần: Cơ hội tốt cho Sông Cấm
Ảnh minh họa. |
Chia sẻ về việc hợp tác trên, ông Nguyễn Ngọc Sự - Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) - công ty mẹ quản lý Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm - cho biết: Trong những năm qua ngành đóng tàu rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn nhưng Sông Cấm vẫn sống khỏe, đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động. Có được kết quả đó phần lớn nhờ vào sự kết hợp với Damen - đơn vị đã cung cấp 100% sản phẩm đóng tàu để Sông Cấm gia công hoàn thiện. "Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ, cùng với tay nghề người lao động ở Sông Cấm được đào tạo bài bản nên đã hoàn thiện được những con tàu đảm bảo chất lượng cao, làm hài lòng phía Damen" - ông Sự nhấn mạnh.
Chính bởi có sự kết hợp tốt giữa Damen và Sông Cấm nên đến nay Sông Cấm đang là tâm điểm để Damen ngỏ lời muốn mua khoảng 70% cổ phần từ Sông Cấm. Nhưng việc đàm phán để bán cổ phần của Sông Cấm cho Damen cũng đang gặp nhiều khó khăn do cơ chế. Bởi, theo Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg quy định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì Damen chỉ được mua tối đa 49% cổ phần tại Công ty cổ phần đóng tàu Sông Cấm.
Ngày 8/12/2014, SBIC đã có Công văn số 3431/CNT-LHTQT đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép SBIC bán cổ phần tại Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho Damen với tỷ lệ 70% như một trường hợp ngoại lệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, nếu cơ chế cho phép, hai bên Sông Cấm và Damen bàn bạc đi đến bán cổ phần thành công thì đây sẽ là cơ hội tốt cho phía Sông Cấm để phát triển theo hướng mạnh, bền vững.
Ông Phạm Mạnh Hà - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho rằng: Việc cổ phần hóa (CPH) để cho doanh nghiệp (DN) thay đổi và phát triển mạnh là điều cần thiết và phải làm nhất là đối với ngành công nghiệp đóng tàu. Mặc dù Sông Cấm đã CPH từ lâu và làm ăn có hiệu quả, nhưng khi đối tác mạnh quan tâm muốn mua lại cổ phần thì nên tiếp tục bán, với mục đích để DN ngày càng phát triển mạnh hơn, "vì chỉ khi DN có khỏe thì đối tác mới quan tâm kết hợp". Chính vì vậy, nếu Sông Cấm bán được cổ phần cho đối tác mạnh thì DN và người lao động sẽ có cơ hội để tiếp xúc với một mô hình mới, thị trường mới và có sức mạnh mới lớn hơn là gia công đóng tàu xuất khẩu. Và khi đó, người lao động càng có những cơ hội tốt hơn như việc làm, thu nhập chắc chắn sẽ có những cải thiện tốt hơn nữa.