Được mang bao nhiêu vàng miếng khi xuất, nhập cảnh vào Việt Nam?
Bắt đầu từ ngày 15/6, bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh vàng nào không xuất hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Hiện trên cả nước có hơn 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. Trước đó ít ngày, 100% cơ sở kinh doanh vàng trên toàn quốc đã cam kết thực hiện đúng yêu cầu xuất hóa đơn điện tử.
Việc siết chặt về hóa đơn điện tử khi mua vàng là bước đi mới nhất trong nỗ lực minh bạch thị trường vàng của nhà điều hành. Những quy định này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, mua bán vàng không rõ nguồn gốc. Điều này đồng nghĩa với cửa sống của vàng lậu đang dần bị thu hẹp.
Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 70 - 100 tấn vàng |
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 70 - 100 tấn vàng. Nhưng kể từ khi Nghị định 24 ra đời, các doanh nghiệp kinh doanh vàng không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng. Nhu cầu cao trong khi nguồn cung thiếu khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm đến nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, trong đó có cả vàng nhập lậu.
Cùng với đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ngày càng được nới rộng trong khi nguồn cung vàng khan hiếm cũng khiến lợi nhuận từ buôn vàng lậu hấp dẫn hơn, kích thích lòng tham của nhiều người.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều vụ buôn lậu vàng qua biên giới đã bị đưa ra ánh sáng. Nhiều đường dây buôn lậu vàng với quy mô rất lớn, từ vài kg lên tới hàng chục tấn vàng cũng bị triệt phá.
Đầu năm 2024, Viện kiểm soát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 24 bị can trong đường dây buôn lậu 6.150 kg vàng 9999. Trước khi bị bắt, các đối tượng này đã nhiều lần “lách luật”, vận chuyển vàng nguyên khối qua đường hàng không.
Dư luận đặt ra câu hỏi về quy định cho phép số lượng vàng được mang khi xuất, nhập cảnh vào Việt Nam?
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN, cá nhân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Nếu mang phải làm thủ tục gửi tại kho hải quan hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.
Đối tượng và tang vật của một vụ buôn lậu vàng do lực lượng chức năng Tây Ninh bắt giữ |
Trường hợp mang theo vàng trang sức, vàng mỹ nghệ (nhẫn, dây chuyền, vòng, hoa tai...) có tổng khối lượng từ 300 gram trở lên, người làm thủ tục xuất, nhập cảnh phải khai báo với cơ quan hải quan.
Theo Điều 3 Thông tư 11/2014/TT-NHNN, cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, chứng minh thư biên giới được đeo trên người vàng trang sức, mỹ nghệ với khối lượng từ 300 gram trở lên và cũng phải khai báo với cơ quan hải quan.
Theo Điều 4 Thông tư 11/2014/TT-NHNN, với cá nhân Việt Nam được phép định cư ở nước ngoài khi xuất cảnh được mang theo vàng (vàng nguyên liệu, vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ) theo quy định sau: Tổng khối lượng vàng từ 300 gram trở lên đến dưới 1 kg phải khai báo với cơ quan hải quan. Đối với trường hợp mang tổng khối lượng vàng từ 1kg trở lên phải có Giấy phép mang vàng khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân đó cư trú cấp, đồng thời phải khai báo với cơ quan hải quan.
Như vậy, quy định pháp luật Việt Nam không giới hạn số tiền/vàng cá nhân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh mang qua cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, cá nhân cần đáp ứng một số điều kiện theo luật định thì mới được phép mang qua cửa khẩu (khai báo với hải quan, giấy phép khi mang vàng, xác nhận của tổ chức tín dụng), nếu không cá nhân sẽ bị áp một số chế tài nhất định và có thể bị xử phạt.
Theo Nghị định 45/2016/NĐ-CP quy định, người xuất cảnh không khai hoặc khai sai số vàng, ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam vượt mức quy định sẽ bị phạt theo mức sau:
Phạt 1-3 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5 triệu đến dưới 30 triệu đồng;
Phạt 5-15 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 30 triệu đến dưới 70 triệu đồng;
Phạt 15-25 triệu đồng với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 70 triệu đến dưới 100 triệu đồng;
Phạt 30-50 triệu đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100 triệu đồng trở lên mà không phải là tội phạm.