Họp báo chính thức ra mắt Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU - Việt Nam |
Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU - Việt Nam, do Liên minh châu Âu và Bộ Phát triển và Hợp tác kinh tế CHLB Đức (BMZ) đồng tài trợ trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng - giai đoạn II, sẽ được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) triển khai dưới sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương.
Mục tiêu của chương trình nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững cho khu vực nông thôn của Việt Nam và góp phần xây dựng một ngành năng lượng bền vững hơn qua việc khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo đến toàn dân.
Tại buổi lễ ra mắt, Tổng cục trưởng Tổng cục Hợp tác quốc tế và Phát triển thuộc Ủy ban châu Âu - ông Stefano Manservisi - cho biết: "Chương trình trị giá 108 triệu Euro này của chúng tôi sẽ không chỉ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 nhằm cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và bền vững cho 1.200.000 hộ dân vùng nông thôn mà còn giúp tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nhằm tạo điều kiện cho sự chuyển đổi hướng tới phát triển một ngành năng lượng bền vững hơn ở Việt Nam. Là một trong những quốc gia chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức năng lượng đáng kể để duy trì phát triển kinh tế xã hội. Trong khi các hỗ trợ của EU không thể trực tiếp khắc phục những thách thức này, EU cùng với các đối tác phát triển khác có thể có ảnh hưởng lên các chính sách và giải pháp nhằm góp phần đem đến một ngành năng lượng sạch hơn và bền vững hơn”.
Quang cảnh buổi ra mắt Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU - Việt Nam |
Khoản hỗ trợ viện trợ không hoàn lại dự kiến trị giá 346 triệu Euro của EU cho ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 tính đến nay là gói tài trợ lớn nhất được EU cung cấp cho hoạt động hỗ trợ năng lượng bền vững trên thế giới. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Liên minh châu Âu trong hỗ trợ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tại Việt Nam, EU cam kết sẽ đóng góp hơn nữa cho một ngành năng lượng bền vững hơn thông qua khuyến khích hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Trong những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh và bền vững, là yếu tố vô cùng quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế xã hội ở tốc độ cao. Chính phủ Việt Nam cam kết phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm cung cấp điện cho cả nước, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, nơi có 2% các hộ gia đình nông thôn vẫn chưa được tiếp cận điện. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam trân trọng cảm ơn và hoan nghênh sự trợ giúp của Liên minh châu Âu trong phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam thông qua Chương trình định hướng hỗ trợ đa biên cho Việt Nam cho giai đoạn 2014-2020, đặc biệt là Hiệp định Tài chính Chương trình Hỗ trợ chính sách năng lượng nhằm tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn ở Việt Nam đã được ký kết ngày 01/12/2017".
Theo đó, chương trình sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh; 2 tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vỹ; 2 tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, Quảng Ninh và đảo Nhơn Châu, Bình Định. Dự kiến khi kết thúc chương trình, khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện, với khoảng 60.000 hộ dân có điện, cấp điện cho 1 huyện đảo và 2 xã đảo.
Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để nâng cao năng lực quản lý, xây dựng khung pháp lý và chính sách ngành năng lượng.
Cũng trong sáng 27/2, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức lễ khởi động Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý, xây dựng khung pháp lý và chính sách ngành năng lượng. Đây là một sự khởi đầu rất ấn tượng trong những ngày đầu xuân mới và sẽ mở ra cơ hội mới trong sự hợp tác giữa các bên.