CôngThương - Trong mấy thập kỷ gần đây, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều nổi lên sau khủng hoảng kinh tế trầm trọng với tỷ lệ tăng trưởng cao và vững chắc, thị trường tài chính ổn định và thiết lập được các thể chế chính trị vững mạnh. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo châu Âu nên học hỏi những kinh nghiệm của các nước này để có thể vượt qua những khó khăn ngày hôm nay.
Giờ đây, những người đứng đầu châu Âu phải dũng cảm đối mặt với khủng hoảng như các nhà lãnh đạo của các nước mới nổi đã từng làm trong quá khứ.Niềm tin của thị trường tài chính đối với họ đã bị suy giảm nhanh chóng. Lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Tây Ban Nha và Italia vừa qua tăng lên mức gần 6% trong khi chỉ ở mức 4,9% trong tháng 3 là những minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Các số liệu mới được công bố gần đây cho thấy tỷ lệ tăng trưởng tín dụng sụt giảm từ mức 2,7% của tháng 10 năm ngoái xuống chỉ còn 0,7% trong tháng 2. Tín dụng tiêu dùng đã giảm 35 tháng liên tiếp kể từ đầu năm 2009.
Điều đáng lo ngại ở đây là thị trường đã bị bao phủ bởi tâm lý các nhà lãnh đạo đang thất bại trong việc thiết lập các chính sách lấy lại niềm tin của thị trường để có thể vượt qua những khó khăn về tài khóa. Họ cũng không thể nhận ra rằng các biện pháp quản lý khu vực tài chính đang phá hủy niểm tin rằng kinh tế sẽ tăng trưởng.
Những vị lãnh đạo thành công của các thị trường mới nổi, từ Thủ tướng Fernando Henrique Cardoso củaBrazil năm 1990, Kim Dae-jung của Hàn Quốc năm 1998 cho đến bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ năm 2000 đều hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc lấy lại niềm tin của thị trường. Họ đều thực hiện các chương trình thúc đẩy tăng trưởng, cải cách toàn hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện các kế hoạch ngân sách trung hạn nhằm xóa bỏ thâm hụt nặng nề.
Ngày nay, tất cả các biện pháp này đều không được thực hiện ở eurozone. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cần phải thay đổi cả chính sách tài khóa và các quy định về tài chính. Họ cần tập trung vào ủng hộ các chính sách mở đường cho tăng trưởng bền vững đồng thời đẩy mạnh cải cách toàn bộ cấu trúc để có thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh cũng như củng cố tài khóa trung hạn. Ủy ban châu Âu đã gây áp lực khiến các nước Tây Ban Nha, Italia, Bồ Đào Nha và Hy Lạp buộc phải cắt giảm chi tiêu công. Chi tiêu công là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thoái, làm suy yếu khu vực tài chính của châu Âu và gia tăng mâu thuẫn chính trị trong nước.
Hầu hết khủng hoảng ở các thị trường mới nổi đều đi kèm với khủng hoảng ngân hàng. Bài học này đã bị các nhà lãnh đạo châu Âu bỏ qua. Họ nâng các yêu cầu về vốn để có thể đạt được chuẩn Basel III trong khi phớt lờ ảnh hưởng của khủng hoảng nợ đối với bảng cân đối của các ngân hàng. Thậm chí, một vài nước còn áp dụng thêm các loại thuế mới đối với các giao dịch tài chính. Ở thời điểm hiện tại, chính sách cần phải nhanh chóng tăng cường khả năng của các ngân hàng trong eurozone để có thể tiếp sức cho tăng trưởng tín dụng.
Có hai bài học quan trọng được rút ra từ khủng hoảng ở các thị trường mới nổi: sự lây lan luôn luôn mạnh hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách và thời gian là kẻ thù. Thị trường tài chính đang có những dấu hiệu cho thấy thời gian đang trôi rất nhanh bất cứ sự chậm trễ nào trong hành động, đặc biệt là đối với eurozone sẽ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn rất nhiều, khủng hoảng có thể lan rộng ra cả ngoài biên giới châu Âu.