Báo cáo của EVN tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 cho thấy, năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động khác nhưng EVN đã quản lý vận hành hệ thống điện an toàn, khai thác tối ưu các nguồn điện, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công tác phòng chống dịch với sản lượng điện thương phẩm đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020. Bên cạnh đó, EVN vẫn đảm bảo vận hành thị trường điện bán buôn cạnh tranh (VWEM) liên tục, ổn định. Hiện tại, có 104 NMĐ tham gia trực tiếp trong thị trường điện với tổng công suất 27.957MW, chiếm 36,5% tổng công suất đặt toàn hệ thống.
Trong công tác đầu tư xây dựng, năm 2021, EVN đã đưa vào vận hành thêm 300MW nguồn thuỷ điện (NMTĐ Thượng Kon Tum công suất 220MW và NMTĐ Đa Nhim MR công suất 80MW); Khởi công 03 dự án nguồn điện gồm: NMTĐ Hòa Bình MR (480MW), NMTĐ Ialy MR (360MW) và NMNĐ Quảng Trạch I (1.200MW).
Đối với các công trình lưới điện, toàn EVN đã khởi công 198 công trình và hoàn thành 176 công trình lưới điện 110-500kV. Các công trình đã góp phần nâng cao năng lực hạ tầng cung cấp điện, giải toả công suất nguồn điện NLTT.
Bên cạnh đó, tiếp tục chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Trong đó đã hoàn thành dự án cấp điện nông thôn tỉnh Lai Châu, triển khai thủ tục đầu tư dự án Cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia bằng cáp ngầm. Các Tổng công ty điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng để cấp điện cho 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An, Cà Mau... Nhờ đó tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.
Giá trị giải ngân vốn đầu tư toàn Tập đoàn đạt 88.214 tỷ đồng, bằng 90,83% KH, trong đó giải ngân vốn đầu tư thuần đạt 48.458 tỷ đồng, bằng 84,8% KH.
EVN: Đảm bảo điện với mức tăng trưởng 7,6% năm 2022 |
Năm 2021, EVN đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu về tổn thất điện năng giảm còn 6,27%, thấp hơn 0,13% so với kế hoạch và giảm 0,15% so với năm 2020; Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, SAIDI toàn Tập đoàn giảm xuống còn 319 phút, giảm 37 phút so với năm 2020. Trong đó EVNHCMC thực hiện tốt nhất với chỉ số SAIDI giảm còn 42 phút. Sự cố lưới điện 110-500kV giảm 221 sự cố so với năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, toàn Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành 63/63 TTĐK (đạt 100%) và thực hiện 758 TBA 110kV không người trực (đạt 100%) và 105/136 TBA 220kV không người trực (đạt 77,2%).
Thực hiện chủ đề năm về chuyển đổi số, EVN đã cơ bản hoàn thành trên 50% khối lượng đã đề ra trong Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025 cho cả giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, đã hoàn thành 4/39 nhiệm vụ quản lý, 12/39 nhiệm vụ đã hoàn thành trên 50% khối lượng. Trong 45 nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ của đề án đã hoàn thành 05 nhiệm vụ, 26 nhiệm vụ hoàn thành trên 50% khối lượng. Trong đó lĩnh vực Quản trị nội bộ hoàn thành 74%, lĩnh vực ĐTXD hoàn thành 62%, lĩnh vực Sản xuất đạt 69%; lĩnh vực KD&DVKH đạt 90%; Lĩnh vực VT&CNTT 50%.
EVN và các Tổng công ty Điện lực đã thực hiện tốt các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng như thu tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 95%; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đạt 97,89%, tăng 20,32% so với năm 2020; Cung cấp các dịch vụ điện qua Cổng DVCQG chiếm tỷ lệ 51,28% trên tổng số yêu cầu cung cấp dịch vụ của các Bộ/Ngành/Địa phương trên Cổng DVCQG; Mở rộng các kênh chăm sóc khách hàng trên các nền tảng số và đã có 99,66% các yêu cầu về dịch vụ điện được cung cấp qua các kênh Internet, qua Trung tâm CSKH, Trung tâm Hành chính công.
Tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian cấp điện (Thời gian cấp điện lưới trung áp giảm còn 3,30 ngày; Thời gian cấp điện lưới hạ áp giảm cho khách hàng sinh hoạt khu vực TP/TX/TT là 2,29 ngày, khu vực nông thôn là 2,67 ngày và khách hàng ngoài sinh hoạt là 2,62 ngày).
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của EVN |
Năm 2022, để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5%, EVN sẽ thực hiện năm chủ đề là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”. Trong đó tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân với mức tăng trưởng dự kiến là 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021. Bên cạnh đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận, bảo toàn, phát triển vốn; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Chỉ tiêu chủ yếu của EVN năm 2022: - Sản lượng điện thương phẩm năm 2022 là 242,35 tỷ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021. - Kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn là 96.500 tỷ đồng. - Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6,25%. - Độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân của một khách hàng trong năm (chỉ số SAIDI) không quá 333 phút. - Năng suất lao động tăng 8-10%. - Bảo toàn, phát triển vốn nhà nước; Hoạt động SXKD có lợi nhuận |