Cõng điện lên non |
Tính đến cuối năm 2015, cả nước đã có 100% số huyện có điện lưới và điện tại chỗ; 99,8% số xã với 98,76% số hộ dân nông thôn có điện lưới, vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao. Tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hầu hết nhân dân đã được sử dụng điện, trong đó khu vực miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân nông thôn có điện; khu vực các tỉnh Tây Nguyên là 99,83% và 95,8%; khu vực Tây Nam bộ là 98,85% và 97,27%. EVN cũng đã đầu tư cấp điện thường xuyên liên tục cho các khách hàng ở 9/12 huyện đảo trên cả nước.
Bên cạnh đó, EVN cũng đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận cho gần 1.370 xã, tương ứng với trên 1,97 triệu hộ dân nông thôn, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về mục tiêu thiên niên kỷ xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư điện nông thôn, kể cả vùng sâu, vùng xa mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được.
Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định 2081/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ Công Thương đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 – 2020 với mục tiêu tổng quát là phát triển lưới điện trung, hạ áp để góp phần đảm bảo đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.
Theo đó, EVN được giao nhiệm vụ là cơ quan điều phối dự án, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) sẽ là chủ đầu tư.
Trong số 22 dự án thì EVNNPC sẽ đầu tư các dự án thuộc 4 tỉnh gồm Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn và Hải Phòng (cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ từ hệ thống cung cấp nguồn điện hỗn hợp gồm: Nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diesel + lưu trữ năng lượng); EVNCPC sẽ làm chủ đầu tư các dự án cấp điện cho đồng bào các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai; còn EVNSPC sẽ cấp điện cho 11 tỉnh phía Nam gồm: Bình Thuận, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và tỉnh Kiên Giang.
Hiện nay, EVN đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực triển khai thực hiện các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ được phê duyệt. Sau khi hoàn thành sẽ có trên 7.236 km đường dây trung áp, trên 13.640 km đường dây hạ áp, trên 8.500 trạm biến áp được đầu tư xây dựng và sẽ có hơn 262.500 hộ dân được cấp điện trực tiếp từ lưới điện quốc gia cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ.
Các dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao đời sống dân trí cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo; đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị trên địa bàn các tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia khu vực biển đảo. |