Tham dự Hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và các đơn vị trực thuộc EVN.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho biết, trong năm 2016, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, với lượng điện thương phẩm đạt 159,45 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015 và vượt 350 triệu kWh so với kế hoạch. Doanh thu bán điện toàn Tập đoàn ước đạt 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015. Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện của Công ty mẹ - EVN và 9 Tổng công ty đều cao hơn kế hoạch.
Các chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ khách hàng đều đạt kế hoạch giao. Tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân (SAIDI) toàn Tập đoàn là 1.579 phút, giảm 25,1% so với năm 2015; Tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) là 10,23 lần/khách hàng, giảm 23%; Tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI) là 1,94 lần/khách hàng, giảm 4,35%. Thời gian giải quyết cấp điện đối với lưới trung áp bình quân chung cả 5 Tổng công ty Điện lực là 6,52 ngày, ít hơn so với chỉ tiêu là 10 ngày, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng ở vị trí 96/190, tăng 5 bậc so với năm 2015. Điểm bình quân mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn EVN năm 2016 cũng đạt 7,69/10 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2015. Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tính chung toàn Tập đoàn đạt 1,737 triệu kWh/người, tăng 11% so với năm 2015 và vượt kế hoạch gần 1%.
Hội nghị tổng kết của EVN |
Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương, VPCP thăm Trung tâm điều độ quốc gia |
Trên cơ sở tính toán cung cầu điện năm 2017 với dự kiến nhu cầu công suất lớn nhất toàn hệ thống điện có thể đạt 32.340 MW, tăng 12,25% so với 2016, hệ thống điện tiếp tục đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội (có dự phòng) với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm 11,5%.
Mục tiêu mà EVN đặt ra trong năm 2017 là điện sản xuất và mua đạt 197,2 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 177,59 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất đạt 7,6%; năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện tăng 8-10%... Để thực hiện được mục tiêu này, EVN đã đề ra 7 nhóm giải pháp như quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, phát triển nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ... để vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, ổn định và kinh tế, đảm bảo cấp điện đủ cho phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó EVN cũng đưa ra các kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong năm vừa qua và cho rằng, năm 2016, dù còn khó khăn nhưng nền kinh tế - xã hội đất nước vẫn đạt được nhiều thành quả nhất định. Thành tựu đó có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của ngành Công Thương nói chung và của EVN nói riêng.
Ngành điện đã thực hiện tốt công tác tái cơ cấu, bảo đảm cân đối tài chính, bảo đảm kinh doanh có lợi nhuận, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động; các đơn vị thành viên đều đạt và vượt năng suất lao động. Tích cực đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là thực hiện tốt Nghị quyết 19, cụ thể là giảm thời gian tiếp cận điện năng. Tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chương trình cổ phần hóa các nhà máy điện, tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Chủ động giải quyết vấn đề môi trường. Nhanh chóng khắc phục cấp điện cho đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ tại miền Trung và chống úng ngập cứu vụ lúa tại miền Bắc.
Thủ tướng và các đại biểu xem ảnh truyền thống ngành điện lực |
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần khắc phục như năng suất lao động, chỉ số tiếp cận điện năng còn thấp (Việt Nam vẫn đứng thứ 6 của ASEAN). Một số công trình xây dựng cơ bản chất lượng thấp, thất thoát; có một số dự án ảnh hưởng môi trường sống nghiêm trọng... Do đó EVN cần quyết liệt, nỗ lực hơn nữa để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng đủ điện cho phát triển trung và dài hạn; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo; tìm nguồn lực, cơ chế để phát triển nguồn và lưới; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý sản xuất kinh doanh.
Thực hiện tốt cơ cấu lại tập đoàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thành cổ phần hóa, bảo đảm thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả, bảo đảm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào hoạt động. EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, giữ lại lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa, bảo đảm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong quản lý điều hành, nhất là trong lĩnh vực tài chính; công khai, minh bạch, chống tham ô, tham nhũng, nhất là trong các dự án đầu tư xây dựng. Phát triển điện phải đi đôi với bảo vệ môi trường không sản xuất điện với mọi giá mà ảnh hưởng đời sống nhân dân.
Thủ tướng tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo EVN |
Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp, ngành điện phải đóng góp vào cải thiện môi trường cạnh tranh của Việt Nam, lọt vào top đầu ASEAN. Tiếp tục nâng cao nguồn thu nhập cho cán bộ công nhân viên, có chính sách đào tạo, thu hút nhân tài.
Thủ tướng đề nghị sắp xếp nhân sự điện hạt nhân đúng mức, hợp lý; sử dụng cơ sở vật chất đã đầu tư hiệu quả, không để lãng phí, không để hỏng hóc; tính toán bù đắp sản lượng điện do không làm điện hạt nhân, nghiên cứu đầu tư làm thủy điện tích năng.
Về các kiến nghị, đề xuất của EVN, Thủ tướng giao các Bộ liên quan tập trung xử lý, giải quyết tạo điều kiện cho EVN phát triển và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ.