Gạch không nung ATK: Ưu việt với công nghệ mới
Dây chuyền sản xuất gạch không nung
- Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên cho biết, tháng 7/2009, đề tài sử dụng tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn cho sản xuất vật liệu xây dựng với tên gọi “Nghiên cứu tro nhiệt điện đốt than tầng sôi tuần hoàn có khử khí Sunphua (CFBC)” được công ty phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nghiên cứu thành công. Dựa trên kết quả nghiên cứu, sau một thời gian đầu tư, ngày 26/3/2011 mẻ gạch đầu tiên của Công ty ATK đã ra đời, đánh dấu một giai đoạn mới. Với dây chuyền thiết bị tiên tiến, sử dụng hệ thống định lượng tự động điều khiển qua hệ thống PLC, máy ép gạch hoạt động theo phương pháp rung ép với lực tác động 160Mpa đảm bảo sản phẩm luôn đồng đều, ổn định về chất lượng. Sản phẩm gạch đặc của công ty đang sản xuất hiện nay từ các nguyên liệu chính là tro xỉ, xi măng PCB40 và đá mạt.
Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng Thái Nguyên, hai loại gạch đặc không nung mác 75 và mác 100 của Công ty CP Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn Việt Nam có cường độ chịu nén tốt trung bình là 83/75 và 102,5/100 daN/cm2, độ hút nước 10 - 12%, độ cứng cao, bảo ôn, cách nhiệt tốt, kích thước đồng đều chuẩn xác, không bị cong vênh. Qua thử nghiệm, loại gạch này hoàn toàn có thể thay thế được gạch đất nung thông thường, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng dân dụng...có thể cách nhiệt, phòng hoả, chống thấm, giảm thiểu kết cấu cốt thép, rút ngắn thời gian thi công, không cần trát mạch, do vậy tiết kiệm vật liệu, nhân công, giảm thời gian thi công.
Với tính ưu việt của gạch không nung nên mặc dù mới đi vào sản xuất nhưng công ty đã cung cấp ra thị trường trên 82 nghìn viên, ký kết qua các hợp đồng 760 nghìn viên, bước đầu được thị trường chấp nhận. Có thể nói sự ra đời của Công ty CP Vật liệu không nung ATK Thái Nguyên là một hướng đi đúng, tận dụng tối đa nguồn tro xỉ lớn thải ra trong quá trình sản xuất điện của Công ty Nhiệt điệt Cao Ngạn, là tiền đề tích cực cho việc nghiên cứu sử dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện khác của Vinacomin như: Na Dương, Sơn Động, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2...
Phạm Tiệp