Gói bánh chưng xanh “Chia sẻ yêu thương - Đón xuân Nhâm Dần” |
Bánh chưng là món không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt. Mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt dù có đi đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng xanh trong tâm thức người Việt là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", là món ăn đặc trưng của dân tộc trong những ngày đầu năm mới.
Gần 3.000 tăng ni, phật tử, tình nguyện viên đã chuẩn bị nhiều ngày để gói 10.000 bánh chưng xanh gửi tặng người khó khăn trong dịp Tết |
Với mong muốn gói vạn bánh chưng trao tặng các hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng cao ở các tỉnh miền núi, chương trình “Tam Chúc một vạn bánh chưng xanh 2023” đã thu hút sự tham gia của khoảng 3000 tăng ni, phật tử, tình nguyện viên và du khách tham gia gói bánh.
Bánh chưng được gói và luộc trong 12 tiếng ngay tại khu vực chùa Tam Chúc- Hà Nam |
Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng toạ Thích Minh Quang - Phó trụ trì chùa Tam Chúc bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn nghĩa cử của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này trong những ngày cuối năm.
Bánh chưng cũng gắn với đặc điểm từng vùng miền của người Việt, như người dân ở miền Nam ưa chuộng bánh chưng dài, người dân miền Bắc ưa thích bánh chưng vuông, người dân miền Trung thích loại bánh tét |
Phó Trụ trì chùa Tam Chúc chia sẻ, "cổ ngữ nói “tích thiện dư khánh” là chỉ những người tích đức làm việc thiện thì phúc báo sâu dày, con cháu đều được hưởng ân trạch. Việc mọi người cùng nhau tụ lại nơi này, cùng nhau góp công, góp sức gói nên những chiếc bánh chưng là thể hiện sáng nhất của tinh thần "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Mỗi chiếc bánh chưng đều gói trọn trong đó tình yêu thương, chia sẻ, dành cho những người khó khăn- một việc làm vô cùng ý nghĩa trong dịp tết đến xuân về".
Bánh chưng làm từ những nguyên liệu gần gũi với đời sống người nông dân như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang và có khi thêm những nguyên liệu là quả gấc |
Từ những nguyên vật liệu đã được chuẩn bị chu đáo, người gói thực hiện những công đoạn gói bánh |
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, sau khi gói xong, toàn bộ số bánh được luộc ngay trong khu vực chùa Tam Chúc và sẽ được đưa đi tặng bà con trong và ngoài tỉnh Hà Nam. Một phần trong số 10.000 bánh chưng xanh được gói ngày hôm nay cũng sẽ được các tình nguyện viên mang đến tặng bà con ở những xã, huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Sơn La còn khó khăn. Không chỉ mang nặng tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", chương trình vạn bánh chưng xanh còn giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước về nét văn hóa đặc sắc trong truyền thống đón tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đặc biệt với thế hệ trẻ và cộng đồng dân tộc, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Theo quan niệm xưa trong đón Tết cổ truyền, chiếc bánh chưng Tết thể hiện trời đất giao hòa, nói lên ước mơ của người người, nhà nhà về một năm mới sung túc, an lành, hạnh phúc |
"Đây là dịp để các thế hệ người Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay góp phần tiếp nối và phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách", chia sẻ tinh thần đón Tết cổ truyền Quý Mão 2023 ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp" - Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh.
Với người gói sự khéo léo tạo lên hình thức cho chiếc bánh đẹp vuông vức, để khi luộc đảm bảo không bị méo, đây là một trong những tiêu chí hình thành thẩm mỹ cho một chiếc bánh chưng Tết đạt tiêu chuẩn |
Những chiếc bánh gói xong được buộc lạt từ cây tre trước khi chuẩn bị cho công đoạn luộc từ 10 đến 12 tiếng |
Tham gia gói và nấu 10.000 chiếc bánh chưng dịp này, chị Nguyễn Hà Linh (Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ, gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt, khi mọi người cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ. Trong xã hội hiện đại ngày nay, mọi người ít có cơ hội được nhìn thấy hình ảnh gói bánh chưng ngày Tết.
Bánh chưng được gói và luộc trong 12 tiếng ngay tại khu vực chùa Tam Chúc- Hà Nam |
Do vậy, thông qua chương trình này, "tôi mong muốn, hàng năm gia đình đều tổ chức gói bánh để nếp sống này luôn thấm nhuần trong lớp trẻ. Với gia đình tôi bánh chưng Tết còn dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn lấy may mắn trong năm mới” - Chị Linh cho biết.
Cùng với hoạt động gói và nấu 10.000 chiếc bánh chưng chay, chương trình, sẽ có các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quyên góp quần áo, giày dép, để tặng người dân tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Chương trình “Tam Chúc một vạn bánh chưng xanh 2023” do chùa Tam Chúc phối hợp với Khu du lịch Tam Chúc tổ chức sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/1/2023, tại Chùa Tam Chúc.