Ông đánh giá như thế nào về tác động của CPTPP đối với nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt là nhân lực ngành Công Thương?
Ông Nguyễn Văn Thảo |
CPTPP có hiệu lực, hứa hẹn đem lại tăng trưởng kinh tế và những lợi ích xã hội, tạo ra nhiều việc làm, cơ hội cho cả người lao động và các doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao mức sống người lao động, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia đã ký kết trong hiệp định. Bên cạnh đó, còn có cơ hội phát triển giáo dục nghề nghiệp được tạo ra trong quá trình hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, sẽ thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...
Tuy nhiên, việc gia nhập CPTPP cũng đặt ra những thách thức lớn, đó là khi xóa bỏ hàng rào thuế quan, sức cạnh tranh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước và DN của mỗi nước phải chuyển đổi, tái cơ cấu hệ thống quản lý, dẫn đến một số lao động có thể bị mất việc. Ngoài ra, mức độ cạnh tranh giữa Việt Nam với các nước ký CPTPP trong cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải cải thiện theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới. Song song với các thách thức trên và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các DN Việt Nam phải đồng thời tăng khả năng cạnh tranh và tăng năng suất lao động, đòi hỏi người lao động được đào tạo những kỹ năng mới để phù hợp với công nghệ mới.
Mặc dù nguồn lao động khá dồi dào và ổn định, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn tới thực trạng này?
Lao động Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mới |
Trải qua hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Đóng góp vào thành công đó, phải kể đến yếu tố con người; chất lượng nguồn nhân lực của ngành Công Thương cũng góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, chất lượng nguồn nhân lực ngành Công Thương vẫn còn khá thấp so với yêu cầu phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động và hội nhập. Nguyên nhân là do đội ngũ giáo viên, giảng viên còn hạn chế; chương trình, giáo trình đào tạo chưa phù hợp; trang thiết bị phục vụ dạy học, thực hành còn lạc hậu; kết nối nhà trường và DN còn hạn chế; đầu tư nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế chưa sâu, rộng...
Vai trò của DN trong cải cách đào tạo nguồn nhân lực cũng rất quan trọng. Hiện nay, các DN và cơ sở đào tạo nghề trong ngành Công Thương đã có sự hợp tác như thế nào và đạt hiệu quả ra sao, thưa ông?
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra thách thức khi các ngành nghề đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi. Trong đó, việc liên kết giữa cơ sở đào tạo với DN là khâu trọng tâm, then chốt. Trước yêu cầu đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học phải chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế thời đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Ngày 29/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1891/QĐ-BCT phê duyệt Đề án: "Kết nối nhà trường và DN trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Công Thương giai đoạn 2017 - 2025", trong đó, chỉ ra các mô hình liên kết và vai trò của các bên trong liên kết giữa nhà trường và DN. Thực tế, các mô hình cụ thể đã mang lại nhiều thành công như tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Công nghiệp Việt - Hung và Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…
Để kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động, Việt Nam sẽ đóng vai trò kiến tạo, tạo động lực để các DN và nhà trường gắn kết với nhau. Chính vì vậy, vai trò của các tổ chức quốc tế, dự án vốn vay, dự án hỗ trợ kỹ thuật từ đối tác quốc tế rất quan trọng. Hiện nay, các trường đã và đang tham gia tích cực vào dự án hợp tác quốc tế. Qua quá trình triển khai cho thấy, việc sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của các dự án đã mang lại cho trường nghề số lượng trang thiết bị hiện đại, chất lượng tốt, đáp ứng xu hướng hiện đại hóa trong đào tạo nghề; nhiều nhà xưởng, phòng thí nghiệm được cải tạo, nâng cấp, xây dựng; đội ngũ giáo viên được đào tạo nâng cao trình độ.
Năm 2019, Bộ Công Thương sẽ có những chương trình, dự án hợp tác quốc tế nào để hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Bộ Công Thương đã và đang xây dựng một số dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo do các tổ chức nước ngoài tài trợ, đơn cử: Dự án "Hỗ trợ hợp tác đào tạo giữa nhà trường và DN hướng đến mục tiêu phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức; Dự án "Ươm mầm nhân lực chất lượng cao với Đại học Bách khoa Hàn Quốc"; Dự án "Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp ôtô", với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Công ty MODI của Nhật Bản… Dự án "Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" vốn vay ADB; Dự án "KOSEN Việt Nam"…
Việc triển khai các dự án trên đã nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, tăng năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam trên thị trường lao động; đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế trong kỷ nguyên mới, thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo và đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhu cầu cấp thiết của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương là đầu tư trang thiết bị cập nhật, phù hợp với trình độ khoa học- kỹ thuật hiện tại và tương lai theo yêu cầu của xã hội và xu thế toàn cầu hóa. Hợp phần đầu tư trong các dự án này được kỳ vọng sẽ thay đổi toàn diện cách tiếp cận trong đào tạo hướng tới nhu cầu; trong đó, có sự tham gia chặt chẽ của DN.
Trân trọng cảm ơn ông!