Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền- Bí thư Đảng ủy, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10
Biết thi đua hiệu quả là những người yêu nước nhất
Với May 10, thi đua phải đạt được kết quả. Có nhiều phong trào thi đua chỉ phát động mà không đạt được kết quả. Đặc biệt May 10, qua các phong trào thi đua, kết quả sản xuất, kinh doanh thường vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đó đo được, đếm được, ai cũng có thể nhìn thấy được. Đó là một trong những động lực để phong trào thi đua của May 10 diễn ra liên tục.
Thứ nhất, khi tổ chức phong trào thi đua thì phải có mục tiêu, nhưng mục tiêu đó phải phù hợp. Nếu mục tiêu cao quá, mọi người không thực hiện được, sẽ không thành công và nếu mục tiêu thấp quá, người ta không cần cố gắng cũng có thể thực hiện được, không tạo động lực. Vì vậy, thông thường, một phong trào thi đua đạt được 70% tức là các đơn vị, thành viên thuộc Tổng công ty đạt được 70%, đấy là thi đua tốt.
Thứ hai, thi đua từ việc nhỏ đến việc lớn. Tổng công ty chúng tôi thi đua tiết kiệm nước vì trong tương lai nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý hiếm. Thi đua diễn ra từ những việc nhỏ đến việc lớn. Ví dụ như việc thi đua chăm sóc người lao động từ những bữa ăn ca, đều được đưa lên mạng để các đơn vị khác học hỏi. Vì vậy, sức khỏe người lao đọng luôn được cải thiện.
Thứ ba, thi đua được thực hiện ở mục tiêu cao hơn, ví dụ như đầu tư làm thế nào giảm được lãng phí trong vật tư, tận thu được nguồn năng lượng như tận dụng hướng gió, ánh sáng mặt trời…
Mọi người nói “ngành ngành thi đua, người người thi đua”, thì chúng tôi là “ngày ngày thi đua, người người thi đua".
Khi đến May 10 ngày 8/1/1959, Bác Hồ nhìn thấy cốc sợi rơi dưới nền nhà và nhặt lên, Bác nói là “sản xuất phải tiết kiệm, sản xuất nếu không biết tiết kiệm như gió về nhà trống”. Trong các tiết kiệm thì tôi cho rằng tiết kiệm về thời gian là quan trọng nhất. Năm 2009, thời gian tạo ra một áo sơ mi ở khu vực may là 1.889 giây, tương đương 33 phút, sau hơn 1 năm có phòng nghiên cứu, giảm xuống còn 696 giây, tương đương 11 phút. Công nhân ở tổ cắt, một ngày bình thường đi 10km, khi bố trí lại mặt bằng thì chỉ còn đi 2,5km, tương đương với tăng năng suất ở khu vực cắt 4 lần. May 10 lấy thời gian là thước đo của giá trị.
Lời nói của Bác chúng tôi ghi nhớ và trăn trở làm thế nào để mọi hoạt động thi đua đều có hiệu quả. Chúng tôi luôn nhớ lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua, những người thi đua là người yêu nước nhất”. Ở May 10, các em mới vào nghề, chúng tôi đều tổ chức học, thi đua từng đường may cơ bản, nếu em nào làm tốt, ý thức tốt thì tuần đầu các em sẽ được gắn lên bảng những bông hoa màu đỏ. Đến tuần thứ 2, nếu các em vẫn làm tốt thì sẽ được tổ, lớp học đó trao tràng hoa. Cứ như vậy, từng bước sẽ được đào tạo dần. Khi các em có ý thức tốt, cộng với việc luôn suy nghĩ cải tiến năng suất lao động, các em làm ra của cải vật chất nhiều, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đóng góp thêm cho đất nước ngày càng vững mạnh. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là lời giải vì sao những người thi đua là người yêu nước nhất.
Anh Phạm Phúc Thảo- Thạc sỹ công nghệ hóa học- Công ty Xăng dầu Khu vực I- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Làm lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng xã hội
Anh cho mọi người biết công việc chính của anh ở đơn vị là gì?
Công việc chính của tôi ở đơn vị là kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu, cả khi nhập về cũng như xuất ra, bảo đảm chất lượng hàng hóa theo đúng quy định của nhà nước.
Từ năm 2006 đến nay, năm nào tôi cũng có tối thiểu 1 sáng kiến, được công ty công nhận, khen thưởng, được Liên đoàn Lao động quận Long Biên khen, thậm chí có sáng kiến thành sáng chế và được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo.
Trong số sáng kiến đó, có sáng kiến chế phẩm TCF0507 tẩy rửa cặn dầu FO thô và dầu thô, được điều chế từ dầu thực vật.
Trong quá trình nghiên cứu và thực hiện ý tưởng, anh có gặp khó khăn gì?
Khi tôi công tác ở đơn vị, làm việc trong điều kiện khó khăn, vất vả, tôi thấy có mấy vấn đề xảy ra: Thứ nhất là độc hại, năng suất thấp. Thứ hai là phát thải nhiều chất thải nhiễm dầu gây ra ô nhiễm môi trường. Điều này rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, mất rất nhiều kinh phí, thủ tục hành chính pháp lý. Thứ ba là các máy móc thiết bị không được đưa vào vận hành sản xuất. Tất cả đều làm bằng sức người và thủ công.
Tôi nghĩ rằng phải có giải pháp nào để làm tốt hơn việc này. Có người bảo tốt nhất là nên mua dầu hỏa của nước ngoài sử dụng. Tôi cũng mua hóa chất của nước ngoài, chi phí đắt, nhưng không thành công. Tại sao trình độ khoa học ở Việt Nam không thua kém với nước ngoài, tại sao mình không có giải pháp tốt hơn mà lại để công nhân chịu khổ, ô nhiễm môi trường?…
Tôi quyết tâm tìm theo hướng mới, công sức mà tôi tạo ra, một là từ công việc thực tế, hai là từ kiến thức, kinh nghiệm của các giáo sư, tiến sĩ, ba là các sáng chế, bốn là từ nguyên liệu trong nước, có hiệu quả hơn trước. Sau một thời gian suy nghĩ, tôi đề xuất sử dụng dầu ăn.
Ngoài thời gian anh công tác ở đơn vị, cũng có thời gian làm thí nghiệm tại đó, anh còn sử dụng nơi nào làm thí nghiệm nữa không?
Tôi sử dụng chính sân thượng nhà mình là nơi điều chế hóa chất và thử nghiệm.
Hàng ngày anh dùng sân thượng làm thử nghiệm, chắc anh sẽ sử dụng dầu ăn của mình, chị nhà có ủng hộ, hay ca thán phàn nàn gì không?
Vợ không kêu là chuyện lạ, vợ kêu là chuyện bình thường. Sáng vợ mua mới can dầu ăn thì chiều tối về đã không còn tý nào.
Chế phẩm này đạt nhiều hiệu quả kỹ thuật. Trước khi làm, tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra kết quả như nào. Kết quả giảm độc hại rất nhanh, từ mức độc hại đến mức bảo đảm an toàn cho người lao động trong vòng 1 giờ. Năng suất lao động tăng lên 6,5 lần, giảm 95% chất thải nhiễm dầu, giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý, giảm 70% kinh phí cần xử lý, đồng thời tiết giảm 3/4 thời gian thiết bị ngừng hoạt động, với tổng giá trị làm lợi hàng tỷ đồng không chỉ cho đơn vị mà cả khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hoa Lý- Công nhân vận hành trạm biến áp 220KV Tây Hồ- Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội- Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Thi đua là hoàn thiện mình mỗi ngày
Tôi rất vinh dự khi được là đại biểu ưu tú tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ II. Hơn 10 năm công tác, vận hành ở những trạm điện khác nhau, tuy mỗi trạm có đặc thù riêng, nhưng tính chất chung luôn đòi hỏi công nhân vận hành phải bình tĩnh, tỉnh táo và xử lý chính xác mọi tình huống trong ca trực của mình.
Trong suốt hơn 10 năm đi làm, cách nhà 30km, 6 năm trời, tôi ròng rã cả đi và về trên 60km mỗi ngày. Nhưng được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, sự động viên, chia sẻ của gia đình, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Năm 2015, tôi được Tổng công ty giao nhiệm vụ vận hành trạm biến áp 220kV- T1. Đây là trạm biến áp đầu tiên được Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành, với công nghệ hoàn toàn mới, tiên tiến, thiết bị hiện đại. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tháng 11/2014, tôi vinh dự tham gia Hội thi “Thợ giỏi EVN” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tại TP. Cần Thơ. Tôi là nữ thí sinh duy nhất tham dự trong hội thi và đạt danh hiệu Thợ giỏi cấp Tập đoàn, nhóm quản lý vận hành trạm biến áp 110kV.
Làm thế nào trở thành người thợ giỏi, phát triển thế nào, nhân rộng ra làm sao? Theo tôi, người thợ giỏi trước hết phải yêu nghề, có trách nhiệm với nghề, ngoài ra phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, học hỏi, hoàn thiện mình. Người công nhân có trách nhiệm, yêu nghề như thế sẽ trở thành công nhân giỏi.