Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Lâm thời tháng 8/1945 - Ảnh: T.L |
Nền tảng của Tổng khởi nghĩa
Dẫn lời trong bài nói chuyện “Một số vấn đề về Cách mạng tháng Tám Việt Nam” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Trường Nguyễn Ái Quốc vào tháng 4/1963, ông Lê Đức Vân chậm rãi: “Khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi có ý nghĩa tượng trưng cho sự sụp đổ của chế độ thực dân trên đất nước ta. Thắng lợi ở Hà Nội đã tạo điều kiện để Trung ương Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh chuyển đại bản doanh về Hà Nội, từ đó chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Rồi ông kể: Sáng sớm hôm ấy, ngày 19/8/1945, Hà Nội đỏ rực cờ Việt Minh, tôi lúc đó phụ trách Đoàn Thanh niên cứu quốc, thay đồng chí Vũ Oanh đi họp ở Tân Trào, dẫn đầu đoàn người gồm hàng vạn nông dân, công nhân ngoại thành Hà Nội, mang theo gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm, lẻ tẻ có một số súng, kéo vào tập hợp tại các cửa ô. Đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”. Sau đó, đoàn chiếm đại lý Hoàng Long để mở đường tiến vào tập trung khởi nghĩa ở nội thành Hà Nội.
Ở nội thành hôm đó, các nhà máy, xí nghiệp, các chợ, các hiệu buôn... đều đóng cửa, quần chúng nhân dân đổ xuống đường tham gia biểu tình. Cả một biển người tràn ngập các nẻo đường dẫn đến Nhà hát lớn. Lúc 11 giờ trưa 19/8/1945, cuộc mít tinh khởi nghĩa bắt đầu.
Một khoảng ngừng lặng, ông Vân kể tiếp, trước đó, nắm được tin Tổng hội viên chức sẽ tổ chức cuộc mít tinh vào chiều ngày 17/8/1945 với mục đích hô hào quần chúng ủng hộ chính phủ bù nhìn, Ủy ban Khởi nghĩa (thành lập trước đó chỉ một ngày) đã quyết định biến thành cuộc mít tinh của ta.
Chiều 17/9, hàng vạn Thanh niên cứu quốc được huy động đến dự mít tinh. Ngay trước giờ khai mạc, theo phân công, đồng chí Thái Uy bảo vệ cho đồng chí Lê Phan bước lên lấy micro trên sân khấu giao cho đồng chí Trang Anh - nữ Thanh niên cứu quốc- hô vang báo tin Nhật đầu hàng Đồng minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi. Sau đó, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng đọc lời hiệu triệu được viết sẵn. Từ lúc đồng chí Trang Anh nói, phía dưới, các hội Phụ nữ, Công nhân, Thanh niên... đi dự đã phất cao lá cờ đỏ bằng giấy được giấu trong túi áo, tạo thành cơn sóng ủng hộ Việt Minh, Việt Nam độc lập. Rồi lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn buông xuống từ Nhà hát Lớn.
“Sự kiện chỉ diễn ra trong khoảng 10 - 15 phút, đám đông tuy vẫn hô các khẩu hiệu nhưng đã có dấu hiệu giải tán. Bỗng ở phía ngoài, anh Lê Chi - đội viên Đội danh dự trừ gian- phất cao lá cờ vải và hô: Mọi người theo tôi” - ông Vân nhớ lại. Và, quần chúng nhân dân tự động xếp thành hàng từ Nhà hát lớn đi dọc tuyến phố Tràng Tiền, ra Bờ Hồ, rồi Hàng Ngang, Hàng Đào, rẽ lên Cửa Bắc đến Phủ toàn quyền (trụ sở của Bộ tư lệnh quân Nhật), rồi vòng về Cửa Nam. Đến chập tối, quần chúng nhân dân chia thành từng nhóm nhỏ đi theo các tuyến phố, vừa đi vừa hô vang khẩu hiểu ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính phủ bù nhìn.
Ngay tối 17/8, khi cuộc biểu tình chưa giải tán, Ủy ban Quân sự cách mạng và Thành ủy Hà Nội đã họp mở rộng gồm 9 người, trong đó có ông Vân, đi đến quyết định khởi nghĩa tại Hà Nội vào sáng 19/8.
11 giờ ngày 19/8, cuộc mít tinh bắt đầu. Ngay sau khi nghe Ủy ban Khởi nghĩa hiệu triệu, quần chúng nhân dân chia thành hai đoàn biểu tình có lực lượng vũ trang dẫn đầu đi chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Trại bảo an binh, Ty liêm phóng...
Đến chiều tối ngày 19/8/1945, hầu hết các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật đã lọt vào tay cách mạng. Đêm hôm đó, Hà Nội nô nức không khí ngày hội chiến thắng.
“Ngày 25/8/1945, Hà Nội vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh” - ông Vân bồi hồi - “Đảng bộ, nhân dân Hà Nội vinh dự thay mặt cả nước được giao nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh lịch sử ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, mở ra thời đại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta”.
Sự đóng góp không nhỏ của giới Công Thương
Đang say sưa hồi ức về những năm tháng lịch sử, ông Lê Đức Vân đột ngột rẽ ngang: “Anh ở Vuasanca nên tôi sẽ nói về những đóng góp của giới Công Thương trong những ngày Cách mạng tháng Tám”. Và ông bảo: “Tài liệu về vấn đề này rất nhiều, nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Nhưng trước đó, tôi xin vắn tắt, chuẩn bị cho khởi nghĩa Hà Nội và Tổng khởi nghĩa toàn quốc, bên cạnh các hoạt động tuyên truyền động viên chính trị rộng khắp thì công tác chuẩn bị hậu cần (lương thực, vũ khí, thuốc men...) cũng được thực hiện đồng thời”.
Trong số những thanh niên tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nói riêng, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong nói chung, có rất nhiều người xuất thân từ những gia đình tư sản, tiểu thương, tiểu chủ...
Ngoài những gia đình lớn thuộc giới Công Thương như gia đình ông Trịnh Văn Bô, còn rất nhiều gia đình có người tham gia Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, như ông Lê Sỹ (tức Tôn Thất Trí)- một đội viên tích cực của Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, xuất thân từ gia đình tư sản trên phố Hàng Bông, hay bà Trang Anh- người diễn thuyết trong buổi mít tinh ngày 17/9/1945- cũng là con một gia đình tư sản, buôn bán ở Hà Nội...
Đặc biệt, 1 trong 5 thành viên của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội có ông Nguyễn Duy Thân được giao đại diện cho giới Công Thương. Ông Thân đã tranh thủ tình đồng hương và khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, vận động ủng hộ tinh thần, vật chất cho Việt Minh. Bằng nhiều cách rất sáng tạo, họ đã đóng góp tài chính, vận động ủng hộ quỹ mua sắm vũ khí, thuốc men... đến tham gia trực tiếp các hoạt động tìm kiếm vũ khí để tự trang bị - ông Vân nói.
Chia tay tôi, ông Lê Đức Vân xúc động đọc lại bài thơ “Sáng mùng hai tháng chín” của Tố Hữu:
Hôm nay, sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ chim cũng nín
Bỗng vang lên câu hát ân tình:
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây...
TIN LIÊN QUAN | |