Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tập đoàn thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau.
CôngThương - Một tín hiệu đáng mừng là giá trị xuất khẩu sang các thị trường đều tăng trưởng khả quan; trong đó, EU, Mỹ, Hàn Quốc, ASEAN, Mexico, Canada là những thị trường nhập khẩu giữ mức tăng trưởng 2 con số về cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2010, với mức tăng trung bình từ 23-68%.
Bên cạnh đó, phần lớn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng mạnh như: tôm các loại tăng 7,5% về khối lượng và 36% về giá trị; cá tra tăng 4,7% về khối lượng và 24,7% về giá trị; cá ngừ tăng 11,1% về khối lượng và 34,3% về giá trị.
Theo dự báo, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, cộng với những khó khăn trong nước còn nhiều nan giải. Tuy nhiên, với xu hướng nhu cầu thuỷ sản thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, cùng với tình hình sụt giảm nguồn cung cấp thuỷ sản khai thác và nuôi trồng ở một số nước, năm 2011 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn có cơ hội giữ kỷ lục 5 tỷ USD.
Nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đầu tư cho sản xuất nguyên liệu, ưu tiên cho các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể… đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại nước ngoài và tăng cường hơn nữa mối liên kết trong nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, ngành thủy sản tiếp tục tăng cường cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tín dụng, kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tổng cục Thủy sản cũng sẽ báo cáo kiến nghị các bộ, Chính phủ bổ sung vốn; phối hợp với các đơn vị, xúc tiến thu hút đầu tư cho các chương trình đầu tư ngành thủy sản; bên cạnh đó, ngành cũng đã đề xuất cơ chế tiếp tục hỗ trợ ngân sách thực hiện Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến./.