Giá dầu WTI tăng thêm 4,19%, đạt mốc 103,4 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent bán ra với mức 108 USD/thùng, tăng 3,5%, tức là tăng 3,65 USD.
Nhà sản xuất Saudi Aramco đã tăng 4,4 USD/thùng đối với dầu Arab Light được xuất sang châu Á thêm 4,40 USD so với một tháng trước đó.
Tuần trước, giá đã bị sụt giảm nhanh nhất trong vòng 2 năm qua sau khi chính phủ Hoa Kỳ công bố sẽ có một đợt xả dầu khổng lồ từ kho dự trữ dầu chiến lược của mình. Các đồng minh trong Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng sẽ xả các kho dự trữ, thông tin chi tiết dự kiến sẽ được công bố trong tuần này
Mark Haefele - Giám đốc Đầu tư của UBS Global Wealth Management cho biết: “Chúng tôi cho rằng việc khai thác các nguồn dầu dự trữ chiến lược có thể giải quyết vấn đề trong ngắn hạn, nhưng không giải quyết được sự mất cân bằng cơ cấu trong dài hạn.”
Vitol Group - nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới cho biết giá dầu có thể tăng cao hơn do nguy cơ nguồn cung từ Nga có thể bị gián đoạn. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa tính toán được họ sẽ mất bao nhiêu thùng dầu từ nhà xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới này.
Mặt khác, việc Trung Quốc đang phải vật lộn với làn sóng dịch Covid-19 mới cũng ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ dầu mỏ. Nước này đang thực hiện chính sách phong toả nghiêm ngặt với 25 triệu cư dân tại thành phố Thượng Hải khi quốc gia này ghi nhận thêm hơn 13.000 ca lây nhiễm mỗi ngày trên toàn quốc.
Trong thời gian tới, bên cạnh tình hình chiến sự Nga và Ukraine, còn nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Trong đó, Iran tuyên bố đã tiến rất gần tới 1 thoả thuận với Mỹ nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang bị dừng lại. Trong trường hợp được ký kết, hiệp định sẽ thúc đẩy xuất khẩu dầu thô của nước Trung Á này.