Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc điều hành QatarEnergy - ông Saad Sherida al-Kaabi mới đây cho biết, Qatar đã đồng ý cung cấp cho Đức 2 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm, trong vòng ít nhất 15 năm. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2026.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU |
"Với thỏa thuận này, Qatar đặt mục tiêu đóng góp vào nỗ lực hỗ trợ an ninh năng lượng ở Đức và châu Âu" - ông al-Kaabi nói, đồng thời chia sẻ, Đức đại diện cho thị trường khí đốt lớn nhất ở châu Âu và chúng tôi cam kết hỗ trợ an ninh năng lượng của nước này.
Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Tuy nhiên, do các lệnh cấm vận áp đặt lên Moscow trong những tháng qua, nguồn cung khí đốt của Nga cho EU đã giảm đáng kể.
Đức cũng như nhiều quốc gia châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng Nga, phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế và tăng cường dự trữ. Tuy nhiên, Đức hôm 15/11 thông báo các kho dự trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy hoàn toàn. Chính phủ Đức cho biết các biện pháp tiết kiệm và tăng mua khí đốt giúp quá trình tích trữ được đẩy nhanh đáng kể.
Trong khi đó, Nga, Kazakhstan và Uzbekistan cân nhắc lập một liên minh ba bên để hỗ trợ vận chuyển khí đốt giữa ba quốc gia và tới các bên mua năng lượng khác.
"Ý tưởng thiết lập "liên minh khí đốt" gồm Nga, Kazakhstan và Uzbekistan đã được lãnh đạo Kazakhstan và Nga thảo luận tại Điện Kremlin" - Ruslan Zheldibay, thư ký báo chí của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho hay.
Công ty Gazprom của Nga cũng đã thông báo rằng họ đã bắt đầu cung cấp khí đốt cho công ty khí đốt Socar của Azerbaijan và sẽ cung cấp tổng cộng một tỷ mét khối khí đốt cho đến tháng 3/2023. Công ty SOCAR khẳng định sẽ hợp tác lâu dài với Gazprom và hai công ty "đang cố gắng tối ưu hóa cơ sở hạ tầng của nhau bằng cách tổ chức trao đổi dòng khí đốt".
Thỏa thuận được ký kết ngay trước giai đoạn nhu cầu cao nhất vào giữa mùa Đông do nhu cầu duy trì nguồn cung cho các khách hàng khí đốt trong nước của Azerbaijan. Đồng thời, điều này cũng giúp Azerbaijan đáp ứng các cam kết xuất khẩu sang Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như xuất khẩu sang châu Âu thông qua Hành lang khí đốt phía Nam đã được lên kế hoạch đạt 10 tỷ mét khối trong năm nay.
Với mùa Đông đang đến gần, thị trường khí đốt càng trở nên nhộn nhịp hơn khi các nước đang gấp rút tìm giải pháp năng lượng trong bối cảnh nguồn cung suy giảm.
Tại thị trường trong nước, sau 6 tháng liên tiếp giảm giá, giá gas đã đảo chiều tăng từ ngày 1/11 với mức tăng 20.000 - 21.000 đồng mỗi bình 12kg.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết từ ngày 1/11, giá bán gas SP tăng 1.667 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức tăng 20.000 đồng bình gas 12kg. Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg thương hiệu này là 425.000 đồng.
Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam - PV Gas LPG miền Nam cho hay, giá bán PetroVietnam Gas sẽ tăng 1.750 đồng/kg, tương đương mức tăng 21.000 đồng bình 12kg và 78.750 đồng với bình 45kg so với tháng 10.
Các sản phẩm gas bán lẻ của thương hiệu City Petro cũng tăng 21.000 đồng bình 12kg và bình 45kg tăng thêm 79.000 đồng.
Theo Chi hội Gas miền Nam, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 11 là 610 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng trước đó khiến giá gas bán lẻ trong nước tăng mạnh.