Mặc dù giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu tăng, nhưng nhìn chung vẫn đang ở mức thấp nhất trong khoảng 20 tháng. Các dấu hiệu cho thấy các ngành công nghiệp đang quay trở lại sử dụng khí đốt đã xuất hiện và dự kiến nhu cầu khí đốt công nghiệp của châu Âu đang tăng lên.
Các đường ống dẫn khí đốt tại một trạm nén khí ở Mallnow - Đức |
Tính đến ngày 27/3, các địa điểm lưu trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy gần 56%, theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu. Đó là lượng dự trữ khí đốt cao nhất vào cuối mùa sưởi ấm trong một thập kỷ, cũng nhờ nhu cầu từ ngành công nghiệp và hộ gia đình cắt giảm và dòng LNG ổn định trong những tháng gần đây.
Thống kê cho thấy, trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, các nước EU đã giảm được 19% lượng khí đốt tiêu thụ.
EU vừa đồng ý gia hạn trần giá khí đốt tự nhiên để phát điện ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho đến cuối năm nay. Thỏa thuận cho phép mở rộng cơ chế tạm thời này, với việc giới hạn giá khí đốt ở mức trung bình 55 euro (59,48 USD) đến 65 euro mỗi megawatt giờ.
Việc gia hạn trần giá dự kiến sẽ giúp giảm bớt tác động của việc tăng giá khí đốt tự nhiên, vốn được thúc đẩy sau cuộc cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho rằng, quy định này sẽ cho phép giá điện được kiềm chế ở mức hợp lý trong trường hợp giá khí đốt tự nhiên tăng cao.
Ở một diễn biến khác, Hà Lan dự kiến đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu, nằm ở Groningen, phía bắc đất nước, ngay trong năm nay. Một nguồn tin cho hay, mặc những bất ổn từ chiến sự ở Ukraine, mỏ khí Groningen cũng phải đóng cửa do các hoạt động khai thác khí đốt gây ra những trận động đất ngày càng dữ dội.
Quyết định này ban đầu được lên kế hoạch vào năm ngoái, nhưng đã bị hoãn lại do tình hình địa chính trị. Chính phủ Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đóng cửa mỏ khí đốt vào tháng 6 tới, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào tình hình quốc tế.
Trong khi đó, Gazprom của Nga - một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất trên thế giới đang tăng nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc và dự kiến sớm đạt mức tối đa theo kế hoạch thông qua một đường ống ở Siberia.
“Nga đang tăng cấp khí đốt cho Trung Quốc. Việc cung cấp khí đốt qua đường ống Power of Siberia sẽ sớm đạt khối lượng hàng năm theo hợp đồng là 38 tỉ m3" - ông Viktor Zubkov, Chủ tịch của Gazprom thông tin.
Bên cạnh đó, Gazprom đang đàm phán với Trung Quốc về dự án cung cấp bổ sung tiềm năng qua nước láng giềng Mông Cổ. Gazprom cũng sẵn sàng phục vụ các thị trường châu Á khác.
"Gazprom đang đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc về một dự án cung cấp khí đốt qua Mông Cổ được thiết kế để vận chuyển 50 tỉ m3 khí đốt" - ông Zubkov thông tin thêm.
Trong tháng 1 và tháng 2/2023, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, đã tăng 31,3% so với năm trước lên 18,6 tỉ USD. Điều đó giúp Nga bù đắp doanh thu bị mất sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chặn hoặc hạn chế nhập khẩu.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/3, giá gas của công ty này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3, giá gas của thương hiệu này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg và 60.000 đồng/bình 45 kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12 kg và 1.784.670 đồng/bình 45 kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2. Dự kiến, vào chiều nay 31/3/2023, giá gas trong nước sẽ có sự điều chỉnh mới.