Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí gia hạn 1 năm đối với biện pháp khẩn cấp nhằm tự nguyện giảm lượng khí đốt sử dụng, góp phần chuẩn bị cho mùa Đông tới ở “lục địa già” trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Đường ống dẫn khí đốt tại Lubmin, Đức |
Theo đó, các biện pháp sắp hết hạn trong tháng 3 này sẽ được gia hạn đến tháng 3/2024 với mục tiêu tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu khí đốt của khối.
Trước đó, trong thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, các nước EU đã giảm được 19% lượng khí đốt tiêu thụ nhờ một mùa Đông ấm áp bất thường vừa qua.
Giá năng lượng tăng đã hạn chế hoạt động sản xuất công nghiệp trong khi EU và chính phủ các nước khuyến nghị người tiêu dùng giảm tiêu thụ năng lượng. Điều này đã giúp các kho dữ trữ khí đốt của châu Âu cao hơn thường lệ dù sắp kết thúc mùa Đông.
Mặc dù vậy, châu Âu vẫn có nguy cơ đối mặt với rủi ro như thời tiết lạnh giá hoặc nhu cầu khí đốt của Trung Quốc tăng lên cũng có thể làm giảm nguồn cung sẵn có.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2023, nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ giảm 3% sau khi giảm 13% trong năm 2022, đồng thời ước tính châu lục này cần giảm 8% nhu cầu sử dụng nếu dừng hoàn toàn nguồn khí đốt của Nga vận chuyển qua đường ống.
Bên cạnh đó, IEA cũng dự báo, tăng trưởng nhu cầu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Trung Quốc có thể đạt 35%. Điều này sẽ gây ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế và có thể dẫn đến giá khí đốt tăng trở lại mức không bền vững như mùa hè năm ngoái, đặc biệt gây khó khăn cho người mua châu Âu.
Theo kênh DW (Đức), Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới cho đến ngày 24/2/2022, khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Thị trường năng lượng toàn cầu rung chuyển và châu Âu phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Lượng khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu theo đó đã giảm 80% trong 8 tháng qua. EU đã xoay sở để thay thế lượng khí đốt tự nhiên thiếu hụt của Nga bằng cách mua thêm từ các nhà cung cấp thay thế, cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu thụ. Việc gia tăng nhập khẩu khí đốt từ Na Uy, Hà Lan và Bỉ đã gần như bù đắp cho lượng khí đốt mà Đức cắt giảm nhập khẩu từ Nga kể từ cuối tháng 8/2022.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã điều chỉnh giảm giá gas. Theo đó, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/3, giá gas của công ty này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12 kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3, giá gas của thương hiệu này giảm 16.000 đồng/bình 12 kg và 60.000 đồng/bình 45 kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12 kg và 1.784.670 đồng/bình 45 kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45 kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Hiện nay, giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ mới chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 2 lần giảm (tháng 1, tháng 3) và một lần tăng mạnh vào tháng 2.