Giá gas hôm nay 9/6: Thế giới và trong nước giảm mạnh, vì sao?
Nhà phân tích tại Citigroup cho biết, giá khí đốt toàn cầu có thể giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu yếu và nguồn cung ổn định buộc các thị trường châu Âu và châu Á phải trải qua tình trạng giảm giá như tại Hoa Kỳ.
Các đường ống dẫn khí đốt |
Sản lượng dầu toàn cầu và khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ vẫn đang tăng lên trong khi LNG toàn cầu không thay đổi. Tuy nhiên, giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 72 đến 90 USD/thùng ngay cả khi Ả Rập Saudi cắt giảm sản lượng mới nhất, giá khí đốt tự nhiên và than toàn cầu lại có nhiều khả năng giảm giá hơn.
Giá khí tự nhiên tại khu vực Châu Âu (được giao dịch qua trung tâm TTF tại Hà Lan) trung bình trong tháng 5/2023 là 10,11 USD/MMBtu, giảm hơn 25% so với tháng trước. Lượng khí tồn kho của Châu Âu (cuối tháng 4/2023) đạt 62 tỷ m3, tăng 80% so với năm trước và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm (40 tỷ m3).
Nhu cầu công nghiệp tại Châu Á vẫn chưa quay trở lại và không có cú sốc cung đáng kể nào đã kéo giá LNG xuống 9,88 USD/MMBtu (mức thấp nhất trong hai năm qua). Nhật Bản và Hàn Quốc, Ấn Độ vẫn có đủ hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thị trường LNG toàn cầu dự kiến sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong giai đoạn 2026-2027 khi làn sóng lớn các dự án sản xuất LNG mới đi vào hoạt động. Hoa Kỳ dự kiến đưa vào vận hành một loạt nhà máy sản xuất LNG mới, kéo theo sản lượng tăng thêm hơn 104 triệu tấn/năm. Xuất khẩu khí đốt của Bắc Mỹ dự kiến đạt 135,8 tỷ mét khối vào năm 2023, tăng 14% so với năm ngoái.
Sau khi giảm đi nguồn cung cho châu Âu, Nga đang bước thêm những bước chân mạnh mẽ về phía Trung Quốc và gia tăng năng lực xuất khẩu khí đốt của mình. Quốc hội Nga vừa phê chuẩn thỏa thuận liên chính phủ về việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua tuyến đường ống dẫn khí ở Viễn Đông.
Từ đầu năm nay, Hạ viện Nga đã thông qua đề xuất của Chính phủ về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt, gia tăng năng lực xuất khẩu năng lượng của Moscow sang Trung Quốc.
Đường ống dài 60km sẽ bắt đầu tại một trạm đo khí ở Nga gần thị trấn Dalnerechensk, đi qua sông Ussuri và kết thúc tại trạm Hulin, thuộc địa phận tỉnh Hắc Long Giang ở Đông Bắc Trung Quốc.
Vào tháng 2/2022, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo đã ký một thỏa thuận dài hạn với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua Tuyến đường Viễn Đông.
Ngay sau khi dự án đạt công suất tối đa, lượng khí đốt đường ống của Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ tăng thêm 10 tỷ mét khối, tổng cộng là 48 tỷ mét khối mỗi năm (bao gồm cả việc giao hàng qua đường ống dẫn khí Power of Siberia).
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.