Dự báo giá hồ tiêu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới Giá hồ tiêu tăng nhưng cần “cẩn trọng” |
Giá hồ tiêu tại thị trường trong nước khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn do sức mua từ thị trường Trung Quốc yếu, nhiều thị trường nhập khẩu có dấu hiệu chuyển dịch nguồn cung sang Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí logistics và giá thấp hơn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 8/2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 18 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 7/2022. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu hồ tiêu tăng 3,0% về lượng và tăng 9,3% về trị giá.
Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 161 nghìn tấn, trị giá 712 triệu USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam tháng 8/2022 ước đạt mức 4.003 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 6,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.434 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá hồ tiêu xuất khẩu khó tăng trong ngắn hạn |
Từ đầu tháng 8/2022, thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu chuyển dịch nguồn cung sang Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí logistics và giá thấp hơn. Trong khi đó, sức mua từ thị trường Trung Quốc yếu. Do đó, giá hồ tiêu tại thị trường nội địa khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn.
Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 - 290 nghìn tấn (bao gồm 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). Tháng 8/2022, giá hồ tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hồ tiêu lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc.
Ông Lê Việt Anh - Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - nhận định, những tháng cuối năm, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của xung đột tại Đông Âu, giá dầu tăng, lạm phát kinh tế. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc - thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới - vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid” cũng khiến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chững lại. Mặt khác, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng cao, hồ tiêu của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ phía các đối thủ như Brazil, Indonesia, Campuchia.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - cho hay, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn, nước này nhập khẩu của Việt Nam khoảng 40.000 - 50.000 tấn tiêu/năm. Tuy nhiên, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã khiến cho các hoạt động xuất khẩu hồ tiêu qua đường cửa khẩu chậm và khó khăn, sản lượng xuất khẩu giảm đáng kể. Một thời gian nữa, hàng hóa qua cửa khẩu sang Trung Quốc nhanh và thông thoáng hơn, nhu cầu bán hồ tiêu, trang trải vụ mới của nông dân ổn định mới hy vọng giá lên, còn hiện nay trông chờ giá tăng rất khó.
Ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 tháng 9 Đăk Lăk - nhận định, nhìn chung, sản lượng hồ tiêu dự kiến không cao hơn năm trước. Nhu cầu chậm lại khiến doanh nghiệp không bán được hàng; khả năng giá có thể tăng nhưng không mạnh.
Cũng nói về triển vọng giá hồ tiêu năm 2022, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group - cho rằng, giá hồ tiêu có thể tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng ở thời điểm cuối năm, khi vụ thu hoạch cũ đã qua, vụ mới chưa đến, thị trường khan hiếm hàng cho xuất khẩu.
Thực tế vài tháng gần đây, lượng hồ tiêu Brazil bán ra thị trường nhiều hơn với giá rẻ. Cùng với giá logicstic hợp lý, hồ tiêu Brazil đang chiếm ưu thế trên nhiều thị trường, nhất là tại châu Mỹ. |