Giá và lượng đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao
XK gạo đã “được mùa” lớn
- Thêm hàng tỷ USD từ lợi thế tăng lượng và giá
Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch XK của cả năm 2011 đạt khoảng 95 tỷ USD, tăng gần 36%, nhập khẩu ở mức 105 tỷ USD, tăng 23,8% và nhập siêu sẽ khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch XK. Với kết quả XK 9 tháng đạt gần 70 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 88% kế hoạch năm, trong khi 3 tháng cuối năm, nhiều lĩnh vực chủ lực như: XK gạo, dệt may, da giày, thủy sản vẫn còn dư địa cao về tăng trưởng và có nhiều lợi thế về giá thì chắc chắn việc tiến đến mục tiêu cả năm sẽ khả thi. Đặc biệt, 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tăng 5 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước. XK tăng trên tất cả các thị trường, trong đó 2 thị trường có tốc độ tăng cao hơn tốc độ XK chung của cả nước, đó thị trường châu Phi và châu Á. Thị trường châu Phi ước XK tăng gấp 2,6 lần, thị trường châu Á ước tăng 42% thì khả quan.
Đến thời điểm này, nhóm hàng công nghiệp chế biến đang dẫn đầu về kim ngạch XK, ước đạt 40,9 tỷ USD, chiếm 58,4% trong tổng kim ngạch XK, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công Thương cho biết, một số mặt hàng chủ lực có quy mô và tốc độ tăng trưởng cao là dệt may, tăng 31,1%; giầy dép tăng 30,8%; sắt thép các loại tăng 64,6%; đặc biệt, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện với tốc độ tăng gấp 3 lần và trị giá gần 4 tỷ USD.
Yếu tố thuận lợi cho gạo XK của Việt Nam còn được xét đến việc từ ngày 7/10/2011 đến tháng 2/2012 Thái Lan thực hiện chính sách trợ giá thu mua lúa cho nông dân (với giá 15.000 baht/tấn), điều này khiến giá gạo thế giới sẽ được đẩy lên từ 750 - 800 USD/tấn. Chính sách giá của Thái Lan sẽ có lợi cho Việt Nam, các DN XK sẽ xuất được giá cao và đương nhiên tăng giá mua lúa trong dân. Hiện, giá gạo XK của Việt Nam là 560 - 570 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với những tháng trước. VFA cho biết, đến thời điểm này, các DN trong nước đã ký hợp đồng XK gạo đạt 6,855 triệu tấn, trong đó đã xuất 5,878 triệu tấn; lượng gạo tồn kho của các DN thành viên VFA là hơn 1,471 triệu tấn. |
Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản cũng đã đạt xấp xỉ 15 tỷ USD sau 9 tháng, chiếm 21,4% trong tổng kim ngạch XK, tăng 39,6% so với cùng kỳ. Trong số 8 mặt hàng nông sản XK chủ yếu, có 2 mặt hàng là chè và nhân điều lượng XK giảm, còn lại các mặt hàng khác lượng XK đều tăng, trong đó tăng cao nhất là mặt hàng sắn XK (46,2%). Giá của nhiều mặt hàng như: hạt tiêu, cà phê, cao su, sắn... tăng khoảng 60-93,8%. Con số được Bộ Công Thương đưa ra cho thấy, yếu tố tăng lượng và giá của nhóm hàng này đã đóng góp hơn 3,1 tỷ USD vào gia tăng kim ngạch XK chung của cả nước.
XK gạo vẫn khả quan
Một trong những mặt hàng chủ lực là XK gạo đã “được mùa” lớn. Đánh giá của ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, XK gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục mới trong 3 năm trở lại đây với 5,8 triệu tấn gạo các loại, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 9,13% về lượng và tăng đến 24% về giá so với cùng kỳ. Thực tế, tại các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo tăng cao, được mùa, tình hình tiêu thụ nhanh đã khiến người nông dân lãi lớn. Theo tính toán của các DN XK gạo, với giá lúa khô như hiện nay ở mức từ hơn 6.000 đến 7.100 đồng/kg thì người trồng lúa đã lãi khoảng 80% so với giá đề xuất của Bộ Tài chính là 3.760 đồng/kg..
Nghị định 109 về XK gạo không hề “làm khó” cho các DN XK mà trái lại đã làm thị trường ổn định hơn, DN chủ động và chắc chắn hơn trong các đơn hàng để XK.
Các DN thực hiện tốt những quy định của Nghị định 109 sẽ có nhiều ưu thế hơn trong bối cảnh thị trường XK gạo trong nước và thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh như hiện nay. Đi cùng với đó, thị trường cũng liên tục có nhiều biến động. Ông Bảy cho rằng: Những DN có uy tín, có hệ thống kho bãi, nhà máy xay xát… tốt sẽ có lợi nhuận. Được biết, VFA đã khuyến cáo DN hội viên chỉ được ký chuẩn bị đủ 100% “chân hàng”, cao hơn quy định trong Nghị định 109 là chỉ cần 50% “chân hàng”.
Thùy Linh