Cách nào để mở rộng thị trường nông sản, sản phẩm khu vực miền núi trên sàn thương mại điện tử? Thủ tướng: Kon Tum cần triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, giảm nghèo |
Khó khăn lớn nhất là logistics và nhân lực
Được thành lập năm 2019, HTX Đăk Tơ Lung Xanh (địa chỉ tại thôn Kon Vi Vàng, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) với 15 thành viên, chuyên chế biến các dòng sản phẩm nông sản với lượng sản xuất trung bình mỗi tháng khoảng 4 tấn nguyên liệu.
Sản phẩm chuối sây Bà Già Đeo của HTX Đăk Tơ Lung Xanh tham gia trưng bày, quảng bá bên lề Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023”. |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , bà Đỗ Thị Huế - Phó Giám đốc HTX Đăk Tơ Lung Xanh – cho hay, hiện các dòng sản phẩm trọng tâm của HTX là chuối sấy giòn Bà Già Đeo, măng khô Đăk Kôi. Đây là các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP. Riêng với sản phẩm măng, được bà con dân tộc hái trên rừng về, qua quá trình luộc, cắt ép, phơi, sấy trên các lò lửa tự chế của bà con. Với sản phẩm chuối sấy, chúng tôi liên kết với một doanh nghiệp trồng chuối, thu mua về và cũng sấy trên các lò lửa tự chế của bà con.
“HTX với hơn 70% là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi mong muốn tạo được thật nhiều công ăn, việc làm cho bà con nông dân trong thời gian rảnh rỗi”, bà Đỗ Thị Huế cho biết.
Cũng theo bà Đỗ Thị Huế, hiện nay, đầu ra của HTX chủ yếu là tại các cửa hàng đặc sản tại Kon Tum là chủ yếu, ngoài ra, còn được phân phối tại các cửa hàng tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai. Đây là những nơi mà HTX đã chủ động kết nối và các đại lý cũng trực tiếp kết nối với HTX thông qua các hội chợ, triển lãm.
Để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, hiện HTX đang muốn đẩy mạnh hơn thương mại điện tử để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, thúc đẩy sản xuất được nhiều hơn. Dù vậy, với các HTX khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, thì việc đưa sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc lên sàn thương mại điện tử hay kết nối trong kênh kinh tế số là không dễ.
Bà Đỗ Thị Huế chia sẻ, hiện nay HTX vẫn thiếu người điều hành cũng như người có kỹ năng để đưa được sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và thu hút được khách hàng. Đây là điểm yếu của HTX. Bên cạnh đó là khả năng giao hàng. Tại Kom Tum, địa bàn xa trung tâm nên quá trình vận chuyển khó khăn hơn nhiều, giá thành vận chuyển sẽ cao hơn so với thành phố.
“Chúng tôi vận chuyển từ HTX đến thành phố chặng đường khá dài, sau đó, chúng tôi mới có chạm xe tiếp theo để vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh khác, huyện khác. Đây là một trong những việc khá "đau đầu". Không thể giảm giá bán được. Giá thành cao hơn, hàng hóa đến với khách hàng cũng chưa được nhanh chóng”, bà Đỗ Thị Huế cho biết.
Gian hàng trưng bày sản phẩm bên lề Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023”. |
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thiêm – Công ty TNHH MTV Nguyễn Thiêm (làng Biango, xã Lachia, huyện Lagrai, tỉnh Gia Lai) – chia sẻ, là doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm hạt điều, măng tre, cà phê với nguồn nguyên liệu khai thác tại chỗ của đồng bào dân tộc được trồng theo hướng hữu cơ.
Doanh nghiệp mong muốn đưa được các sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng Việt Nam thông qua thương mại điện tử và thông qua phương tiện truyền thông chính thống để người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm thật và tốt nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
“Phương tiện đi lại, tiếp cận thị trường về thời giá, cách xúc tiến thương mại như thế nào,… hiện chúng tôi đang thiếu và yếu về nguồn nhân lực. Hiện chúng tôi đang triển khai phương thức bán hàng đa kênh, có cả online và offline, trọng tâm là đẩy hàng offline lên nhiều. Kênh online chúng tôi cũng chưa có kênh chính thống, hiện mới chỉ bán trên zalo, facebook, hoặc một số kênh thương mại điện tử nhưng hiệu quả chưa cao”, ông Nguyễn Văn Thiêm cho hay.
Về việc này, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vẫn chưa theo kịp được với nhu cầu của bà con.
Việt Nam với 3/4 diện tích là núi, đồi, đường xá đi lại còn nhiều chia cắt. Đặc biệt là trong mùa mưa, mùa bão lũ, luôn luôn dình dập nguy cơ bị sạt lở đường, tắc nghẽn trong việc đưa nông sản về với các thị trường.
Việc thu hút, kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp vào công tác sơ chế, chế biến nông sản, sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc để từ đó có thể đưa được hàng hóa đảm bảo chất lượng hơn, giảm bớt rác thải đưa về thành phố, đưa về thị trường tiêu thụ cũng như xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trình độ dân trí và tay nghề của người dân tại các khu vực này rất khó đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Sự đồng hành của chính quyền địa phương
Bà Đỗ Thị Huế cho hay, hiện tại các chương trình xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai khá phù hợp với các HTX vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi. Vấn đề quan trọng là các HTX sẽ tham gia như thế nào và hướng đi của mỗi HTX ra sao?
“Hiện, tại tỉnh Kon Tum cũng đã hỗ trợ để làm trang thương mại trên shopee và chúng tôi cũng đang theo sát để làm để có thể đưa sản phẩm tới sàn thương mại một cách nhanh nhất”, bà Đỗ Thị Huế chia sẻ và cho biết, ngoài phát triển sản phẩm nông sản, hướng tới đây là chúng tôi phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng trải nghiệm các văn hóa sinh hoạt cộng đồng, du khách trải nghiệm thực tế đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên. “Các sản phẩm của HTX đưa ra may mắn nhận được sự phản hồi khá tốt từ khách hàng, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phát triển tiếp”, bà Đỗ Thị Huế cho hay.
Ngoài phát triển sản phẩm nông sản, hướng tới đây của HTX Đăk Tơ Lung Xanh đó là phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng trải nghiệm các văn hóa sinh hoạt cộng đồng, du khách trải nghiệm thực tế đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên |
Cũng theo bà Đỗ Thị Huế, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rất có ý nghĩa. Lãnh đạo địa phương cũng đã chủ động và chú trọng trong công tác quảng bá sản phẩm của địa phương mình. Ví dụ, tại các cuộc họp của tỉnh, của địa phương, trên các bàn tiếp khách sẽ là các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của của HTX thay vì sử dụng bánh kẹo ngoại. Chỉ một hành động nhỏ nhưng góp phần thúc đẩy quảng bá sản phẩm của địa phương đến với các đối tác, khách hàng.
Trong số rất nhiều sản phẩm OCOP tương đồng, theo các HTX, doanh nghiệp, điều khách hàng lựa chọn sản phẩm bắt buộc phải là niềm tin. Và niềm tin này không cách nào khác đó chính là sản phẩm phải đi cùng với chính quyền địa phương, với nhà nước để cơ quan chức năng đồng hành công nhận và chứng nhận cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thiêm cho hay, hiện sản phẩm chủ yếu cung cấp thị trường miền Nam, chúng tôi cũng đang hướng đến phân khúc thị trường miền Bắc. Các doanh nghiệp, HTX ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng kiến nghị cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để các sản phẩm mang tính chất đặc thù địa phương có được đầu ra bền vững, nhất là trên kênh thương mại điện tử, việc này sẽ góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Hỗ trợ mở rộng thị trường sản phẩm nông sản khu vực miền núi
Trong thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử.
Nhờ vậy, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.
Hà Tĩnh mời diễn viên, KOL nổi tiếng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP |
Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến thương mại nhằm kết nối đưa sản phẩm OCOP của các địa phương nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và hướng đến xuất khẩu là cách mà Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ ngành địa phương triển khai thực hiện.
Bà Lê Việt Nga cho hay, việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm đó là công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng, tới cộng đồng các doanh nghiệp để chung tay hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm ở vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, kênh thương mại điện tử cũng là một trong những kênh rất hữu hiệu, vừa quảng bá, nhưng cũng vừa rút ngắn được công đoạn đưa từ người sản xuất đến người tiêu dùng và giảm bớt được các chi phí trung gian cho người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn này.
Bộ Công Thương có một chương trình rất lớn về thương mại điện tử cũng như các chương trình để hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Qua đó, tập huấn cho bà con, đào tạo cho bà con làm sao biết được cách đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử có uy tín.
Và quan trọng hơn cả là những sản phẩm hàng hóa này phải đảm bảo chất lượng cũng như nêu được bản sắc của sản phẩm của mình. Đây chính là giá trị tăng thêm để hấp dẫn người tiêu dùng trong nước cũng như người tiêu dùng các nước xuất khẩu.
Cùng với sự đồng hành của cơ quan chức năng, về phía bản thân các HTX, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong công tác xúc tiến thương mại, chủ động thay đổi để sản phẩm có thể thích ứng và đáp ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền. Góp phần tích cực và phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo.