"Vua" tôm Minh Phú đã giải được bài toán đó.
Năm 2017, Minh Phú có 14.000 công nhân. Chế biến, xuất khẩu tôm cần rất nhiều lao động, suốt cả năm, Minh Phú dụng mọi "chiêu" tăng lương, phúc lợi nhưng người ra, người vào, cuối cùng vẫn chỉ có 14.000 công nhân. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Minh Phú phải mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, song chi phí lao động ngày càng cao, thuê nhân công ngày càng khó... Sau nhiều trăn trở, Minh Phú tìm đến AI.
Minh Phú có khoảng 2.000 ao tôm, cần 2 người quản lý 1 ao tôm. Nhưng khi ứng dụng AI, 1 người quản lý 50 ao tôm, tiết kiệm rất nhiều nhân lực. Khi dùng AI, máy chỉ cần quét qua con tôm là phân loại được ngay, thay vì hàng loạt công nhân làm thủ công. Hoặc, ứng dụng AI theo dõi 100 ao tôm, cuối vụ có 5 ao tôm thành công, AI tìm ra những thông số cần thiết và vụ sau các ao sẽ nuôi theo 5 ao thành công nhất, cứ thế, công thức thành công dần được nhân rộng...
Khi ứng dụng AI, Minh phú sẽ phải cắt giảm khoảng 70% nhân công nhưng không có ai phải nghỉ việc. Minh Phú đang có 2 nhà máy, sẽ xây thêm 1 nhà máy, chuyển công nhân từ nhà máy này sang nhà máy khác. Cái đầu đã nhẹ nhõm, thanh thoát, trái tim không phải phấp phỏng, bối rối!
Người đứng đầu Minh Phú từng nói: "Vì sự sống còn nên phải áp dụng AI. Bỏ tiền ra làm AI hay tự rời bỏ thế giới này?".
Có lẽ, chỉ khi đứng trước ngưỡng "sinh tử", cộng thêm năng lực mạnh, doanh nghiệp mới có những quyết sách đột phá?