Địa phương vào cuộc
Sau 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh đứng đầu khu vực phía Bắc về phát triển KCN. Đến nay, Bắc Ninh có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, với tổng diện tích 6.397 ha. Trong đó, 10 KCN đã đi vào hoạt động và thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như Samsung, Canon, Pepsi, ABB, Foxcon….
Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã đi vào nề nếp |
Trao đổi với phóng viên Vuasanca về công tác BVMT trong các KCN, ông Nguyễn Đức Cao, Phó Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong 10 KCN, 9 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã đi vào hoạt động; còn 1 KCN Hanaka, chủ đầu tư cũng cam kết trong năm 2019, hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ đi vào vận hành. Bên cạnh đó, 8/9 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường…
“Công tác BVMT tại các KCN đã đi vào nề nếp. Doanh nghiệp KCN có ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về BVMT, đến nay, chưa có sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra, đặc biệt, việc lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm làm hạ tầng KCN cũng góp phần làm tốt công tác BVMT” - ông Nguyễn Đức Cao khẳng định.
Nằm ở Hải Phòng, Khu phi thuế quan và KCN Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ IP) đang tiến hành song song hoạt động san lấp, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư. Trong đó, khu vực phía Bắc cầu Tân Vũ - Lạch Huyện (369,7ha) cơ bản đã san lấp xong và có 15 dự án đã thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy khoảng gần 50%; còn khu vực phía Nam (959,41 ha) đang trong quá trình san lấp. Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong KCN chủ yếu thuộc lĩnh vực cảng biển, kho bãi, logictics và sản xuất công nghiệp với xuất đầu tư bình quân từ 5.000.000 - 10.000.000 USD/ha.
Là nhà đầu tư vào KCN này, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho hay, để đảm bảo hoạt động môi trường, trong khu vực phía Bắc, chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung modul 1 của giai đoạn 1 và cùng một số các công trình BVMT khác như bể kiểm chứng (để lưu nước thải sau xử lý, đồng thời cũng là bể ứng phó sự cố), khu vực lưu trữ chất thải, hệ thống thu gom và thoát nước thải, nước mặt đồng bộ.
“Tập đoàn Sao Đỏ đang tiến hành lắp đặt thiết bị cho trạm quan trắc tự động, dự kiến trong quý III hoặc đầu quý IV, dự án sẽ hoàn thiện việc lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và sẵn sàng truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường khi phát sinh hoạt động xả nước thải ra môi trường” - ông Nguyễn Thành Phương nói.
Phát triển kinh tế đi đôi với BVMT
Ông Nguyễn Thành Phương khẳng định, với mục tiêu chung xây dựng KCN hiện đại, đồng bộ và hoàn chỉnh phù hợp với định hướng phát triển trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải của thành phố Hải Phòng, phát triển kinh tế đi đôi với BVMT, hướng tới sự phát triển bền vững, Tập đoàn Sao Đỏ luôn luôn giữ vững quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”. Chính vì vậy, Tập đoàn Sao Đỏ cam kết tuân thủ các quy định chung về BVMT trong suốt hoạt động của dự án.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường, đảm bảo các phương án xử lý chất thải của KCN được kiểm soát thường xuyên…; xây dựng và thực hiện chương trình quản lý, giám sát môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng tới kiểm soát khí thải, nước thải, chất thải rắn; yêu cầu và kiểm sát nghiêm ngặt các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện đầy đủ các biện pháp BVMT theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; đẩy mạnh thu hút những ngành nghề công nghệ cao, ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ít tiêu hao tài nguyên và năng lượng.
Xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ |
Còn theo ông Nguyễn Đức Cao, tỉnh Bắc Ninh luôn xác định việc phát triển công nghiệp trong các KCN phải gắn với BVMT là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững. Theo đó, việc tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư vào các KCN đảm bảo theo quy hoạch chi tiết được duyệt, thuộc lĩnh vực, ngành nghề phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN. Ban quản lý các KCN tiến hành lựa chọn, thu hút đầu tư, không tiếp nhận các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong KCN.
Đáng nói hơn, hiện nhiều KCN trong cả nước cũng đã tập trung đầu tư nhiều hơn vào công tác BVMT. Ông Nguyễn Phạm Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường dẫn chứng, hiện nay trên cả nước đã có 326 KCN được thành lập. Số lượng các KCN đã đi vào hoạt động là 274 KCN, trong đó có 272 KCN có báo cáo đánh giá tác động môi trường và Đề án BVMT chi tiết; 2 KCN là Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai và Thuận Yên, tỉnh Quảng Nam hiện đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt Đề án BVMT, chiếm tỷ lệ 99,27%). Hiện cả nước cũng có 242 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 191 KCN có trạm quan trắc tự động.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có 191 KCN có hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục được truyền dữ liệu về Sở TN&MT các địa phương để theo dõi, giám sát. Trên thực tế, số liệu này sẽ lớn hơn, do các KCN đang thực hiện công tác hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị quan trắc tự động theo quy định. |
Kỳ II: Cần giải pháp đồng bộ