CôngThương - 100% DN đã ứng dụng TMĐT
Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1073/QĐ-TTg phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015". Kế hoạch mang tầm quốc gia này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy TMĐT trong nước phát triển mạnh mẽ khi đặt ra mục tiêu TMĐT được sử dụng phổ biến và đạt mức tiên tiến trong ASEAN.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT - Bộ Công Thương - cho biết, kết quả điều tra ở 2.004 DN trên cả nước cho thấy, gần như 100% đã ứng dụng TMĐT ở quy mô và cấp độ khác nhau. Trung bình mỗi DN trang bị 25,8 máy vi tính, có 98% số DN kết nối đường truyền Internet. Ở những DN tiến hành giao dịch TMĐT, 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 70% DN tham gia các trang thông tin điện tử bán hàng để mua bán các sản phẩm hàng hóa; 5% DN tham gia các mạng kinh doanh điện tử theo mô hình trao đổi chứng từ điện tử dựa trên chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử...
Hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT rất rõ nét, chi phí đầu tư cho TMĐT và CNTT khoảng 5% tổng chi phí, nhưng doanh thu từ các đơn đặt hàng qua phương tiện điện tử đạt 33%, một số DN dành bình quân 28% chi phí mua hàng cho việc đặt hàng qua các kênh điện tử. Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, cùng với việc các bộ, ngành liên quan đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, điều đáng ghi nhận là nhiều DN thuộc các ngành có quy mô kinh tế lớn đang chú trọng đầu tư vào đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, DN kinh tế hàng đầu thuộc các ngành, lĩnh vực như điện lực, viễn thông, dầu khí, thép, dệt may... đã từng bước hướng tới việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh doanh sử dụng phương tiện điện tử.
Cần hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT vào sản xuất - kinh doanh
Ông Lương Văn Tự - Nguyên chủ tịch Hiệp hội tmđt Việt Nam (VECOM) - cho rằng, trình độ phát triển TMĐT ở Việt Nam tuy nhanh nhưng vẫn chỉ ở mức trung bình khá so với thế giới. Trong giai đoạn năm 2007 đến nay, VECOM đã chủ động triển khai nhiều hoạt động chuyên môn như tư vấn, phản biện các chính sách, pháp luật về TMĐT, tạo ra diễn đàn thảo luận cho giới TMĐT cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm... Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản trong lĩnh vực TMĐT như: Nhiều văn bản pháp luật chưa thực sự đi vào cuộc sống; công tác tuyên truyền, phổ biến còn nhiều bất cập; ý thức thi hành của người dân chưa cao; cơ chế giám sát, chế tài chưa đủ mạnh.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng mục tiêu, chính sách, giải pháp cụ thể để đưa TMĐT Việt Nam lên một tầm cao mới. Ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) - khẳng định: “Bên cạnh việc xây dựng chính sách, hành lang pháp lý, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục TMĐT và CNTT là hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ, tư vấn cho DN để họ có thể chọn lựa phương thức ứng dụng TMĐT phù hợp với từng đơn vị”.
Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011 – 2015, trước năm 2013, cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên là 80% dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thủ tục hải quan điện tử, dịch vụ liên quan đến thuế,... Năm 2014, cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 50% các dịch vụ công liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Năm 2015, 40% đạt mức 4 về cung cấp trực tuyến dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu; 20% dịch vụ công mức 4 liên quan đến thương mại và hoạt động sản xuất - kinh doanh. |