CôngThương - Một trong những giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp của Tuyên Quang là tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung. Gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà máy chế biến nông, lâm sản với những hộ gia đình, đơn vị trồng nguyên liệu, phát huy công suất của các nhà máy nhất là các nhà máy chế biến lâm sản đầu tư công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn, như: Nhà máy Giấy và bột giấy An Hòa. Tích cực đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng hiện đại tiên tiến và sử dụng nguyên liệu chế biến sạch nhằm nâng sức cạnh tranh của sản phẩm chè, nhất là chè đặc sản, tăng khả năng tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy đường tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên để sớm đi vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư sản xuất đá xây dựng các loại, gạch không nung, gạch tuynen, cao lanh - Fenspat và một số vật liệu xây dựng có tiềm năng phát triển như đá trắng (huyện Hàm Yên); đá hoa (xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương)... Ngoài ra, sẽ đầu tư hợp lý các dự án khai thác và chế biến khoáng sản theo hướng chế biến sâu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và công nghiệp sử dụng nhiều lao động như da giày, dệt may, lắp ráp cơ khí…
Tuyên Quang còn tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tỉnh sớm xây dựng và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, trong đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện tỉnh đã ban hành bổ sung, điều chỉnh chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư phù hợp với thực tế của từng khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế, lấp đầy dự án đầu tư trên diện tích đã quy hoạch của huyện Yên Sơn, Lâm Bình…
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, Tuyên Quang đặc biệt coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công để các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tiếp cận về trình độ quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và khai thác có hiệu quả ngành, nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.