Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được trao tặng cho 3 nhà khoa học thuộc các ngành khoa học y dược, toán học và vật lý. Đây cũng là năm thứ 2, một nhà khoa học nữ được trao tặng giải thưởng này. Cụ thể, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh (ngành khoa học y dược); PGS.TS. Phạm Tiến Sơn, Trường Đại học Đà Lạt (ngành toán học); TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ngành vật lý).
Tại Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 18/5, GS.TSKH Đinh Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho biết, sau 7 năm ra đời, Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã trở thành một sự kiện trọng đại trong cộng đồng khoa học ở Việt Nam. Điều này đạt được chính bởi vì các công trình được trao tặng giải thưởng thực sự tiêu biểu cho những thành tựu trong nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam, trở thành nguồn khích lệ và động viên lớn lao đối với các nhà khoa học Việt Nam tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học.
Các nhà khoa học nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 |
“Các công trình được giải thưởng năm nay cho thấy dù nghiên cứu về các vấn đề thực tiễn ở Việt Nam hay về các vấn đề lý thuyết của quốc tế ở ngay cả những đại học địa phương vẫn có thể đạt được những kết quả xuất sắc được thế giới công nhận” - GS.TSKH Đinh Việt Trung khẳng định.
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng, PGS.TS. Phạm Tiến Sơn cho hay, thành công của hiện tại là thành quả của một quá trình học tập và nghiên cứu liên tục từ nhiều năm tháng qua… Nhìn lại lúc bắt đầu bước vào con đường khoa học, tôi nghĩ rằng luôn hiện hữu hai khó khăn cơ bản đối với những người làm công tác nghiên cứu (đặc biệt với các bạn trẻ) đó là thời gian dành cho nghiên cứu ít và kinh phí được tài trợ để tiến hành các nghiên cứu không nhiều và không phải khi nào cũng có. Mặt khác, niềm đam mê khoa học, mong muốn học hỏi và khám phá cái mới là những động lực đã giúp tôi vượt qua các trở ngại và gắn bó với hoạt động nghiên cứu.
“Tuổi trẻ thường có khá nhiều năng lượng và thường nghĩ mình có thể làm được nhiều việc cùng một lúc! Tôi cũng từng như vậy… Nhưng cũng lâu rồi, tôi hiểu rằng các kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt chỉ có thể đạt được khi ta dành trọn thời gian cho khoa học” - PGS.TS. Phạm Tiến Sơn nói!
Đồng quan điểm, PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan cho rằng, việc nhận giải thưởng mang tên giáo sư Tạ Quang Bửu là vinh dự và niềm tự hào của các nhà khoa học. Những tiêu chí xét chọn của giải thưởng cùng với sự công minh của hội đồng xét chọn giải thưởng đã càng nâng cao hơn nữa uy tín của giải thưởng này. Giải thưởng thật sự là nguồn động viên lớn lao cho các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ có chất lượng ở Việt Nam.
“Đối với tôi, được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu, bên cạnh vinh dự, tôi hiểu rằng đây còn là một trách nhiệm và kỳ vọng mà Bộ Khoa học và Công nghệ, giới khoa học và cộng đồng đã giao cho tôi. Trách nhiệm đó là làm sao phát huy hơn nữa, làm tốt hơn nữa những công trình nghiên cứu có chất lượng, có tính ứng dụng; xây dựng được đội ngũ nghiên cứu có chất lượng; đào tạo các thế hệ kế thừa; truyền lửa và nhân rộng hơn nữa tấm gương của nhà khoa học được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu” - PGS.TS. Vương Thị Ngọc Lan bày tỏ.
Còn theo TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, kể từ khi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) chính thức đi vào hoạt động, nền khoa học Việt Nam đã có thêm bước phát triển vượt bậc mới. Số lượng công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam không ngừng tăng lên qua từng năm với nhiều ấn phẩm chất lượng cao đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín hàng đầu đã nâng tầm khoa học Việt. Điều đó cho thấy rằng khoa học và công nghệ Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển khi có sự đầu tư, đánh giá rõ ràng, khách quan và khoa học như những gì Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm thông qua NAFOSTED.