Giám sát gian lận xuất xứ: Đảm bảo sự phát triển ổn định cho doanh nghiệp
Gia tăng lẩn tránh phòng vệ thương mại
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) - cho thấy, trong giai đoạn 2000 – 2016, đã có 15 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trung bình 1 vụ/năm. Đến hết quý II/2021, đã có 207 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên. Dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục gia tăng khi Việt Nam do đã có những dấu hiệu về dịch chuyển đầu tư cũng như số lượng sản phẩm bị áp dụng biện pháp PVTM hiện nay đang gia tăng.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ, quốc gia điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với 10 vụ việc, chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số vụ việc, đã tự khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ của Việt Nam. Theo Cục PVTM, việc cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tự khởi xướng điều tra là việc tương đối hiếm. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế PVTM để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.
Công tác đấu tranh ngăn chặn gian lận xuất xứ đang được các Bộ, ngành đẩy mạnh nhằm bảo vệ lợi ích hàng hóa trong nước (Ảnh minh họa) |
Theo đại diện Cục PVTM, thời gian qua, mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực trong hoạt động cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát và thẩm tra, song nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc thẩm tra, xác minh hành vi gian lận lại rất phức tạp, chỉ riêng việc kiểm tra hồ sơ cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) nếu không đi thẩm tra chi phí chi tiết thì rất khó phát hiện các hành vi vi phạm.
Ngay trong những tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan cũng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm xuất xứ, hàng giả, hàng nhái. Điều này ảnh hưởng rất lớn không những người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu. Thực tế cho thấy, vi phạm điển hình trong các vụ việc do Cục Kiểm tra sau thông quan của Tổng cục Hải quan phát hiện là việc doanh nghiệp nhập khẩu toàn bộ linh kiện để lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh hòng “đội lốt” hàng Việt Nam.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Để thực hiện kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan sẽ áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ hải quan để kiên quyết đẩy lùi tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM, bảo vệ uy tín của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện, Tổng cục Hải quan đã giao các nhiệm vụ cụ thể nhằm phát hiện vi phạm đối với Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Vụ Thanh tra – Kiểm tra của Tổng cục Hải quan. Trong đó, Cục Kiểm tra sau thông quan sẽ trực tiếp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan để làm rõ hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp và xử lý theo quy định đối với các nhóm mặt hàng.
Đặc biệt, không chỉ phối hợp trong nội ngành, ngành hải quan cụ thể là Cục Giám sát quản lý về hải quan sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát cơ sở pháp lý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ, ghi nhãn để khắc phục sơ hở của hệ thống pháp luật, làm cơ sở pháp lý để thống nhất thực hiện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rà soát các trường hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa đúng quy định; kiến nghị, đề xuất VCCI chấm dứt việc cấp Giấy chứng nhận về quy trình sản xuất hoặc nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất nhằm hạn chế doanh nghiệp lợi dụng giấy chứng nhận này để gian lận xuất xứ.
Về phía Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Đề án đề ra 2 nhóm mục tiêu chính là: Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài thông qua 3 nhóm biện pháp chính là: Cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ một cách có chọn lọc; Đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra C/O, tăng cường kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.
Đồng thời, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan thông qua 5 nhóm biện pháp chính: Nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, tăng cường khả năng ứng phó của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp, hợp tác với các nước liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ.
Thời gian tới, theo đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến xuất xứ hàng hóa, nhất là hàng hóa lưu thông trong nước. Qua đó, từng bước góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống, giúp các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong PVTM, đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.