Đẩy mạnh giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội vì quyền lợi người lao động |
Trên cơ sở các quy chế phối hợp được ký kết giữa BHXH Việt Nam và TLĐLĐVN, trong 5 năm (2014-2018), TLĐLĐVN đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam và các cơ quan khác tổ chức các đoàn liên ngành giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH đối với 69 doanh nghiệp trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố. Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam - nhấn mạnh, hoạt động giám sát liên ngành đã giúp các cơ quan chức năng phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý của chính sách BHXH; đánh giá tình hình vi phạm pháp luật BHXH của các doanh nghiệp, trong đó nổi bật là tình trạng trốn, nợ đóng BHXH.
Sau khi kết thúc giám sát, đoàn giám sát liên ngành đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, các cơ quan lập pháp và tư pháp có liên quan xem xét, có các giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng và nợ, chậm đóng BHXH của người sử dụng lao động; xử lý theo quy định của pháp luật và trả lời bằng văn bản về kết quả xử lý những hành vi vi phạm pháp luật BHXH trong thực hiện các chế độ, chính sách BHXH liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong các doanh nghiệp, bảo vệ tốt hơn quyền được tham gia và hưởng BHXH của NLĐ.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam và TLĐLĐVN còn phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Cụ thể, từ năm 2013-2016, đã kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại BHXH 9 tỉnh, thành phố, phát hiện 3.494 lao động chưa tham gia đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; 2.553 lao động đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT không đúng mức quy định; yêu cầu truy thu số tiền là 716 triệu đồng do đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ.
Tháng 9/2016, BHXH Việt Nam phối hợp với TLĐLĐVN ký quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa hai bên trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Theo quy chế, cơ quan BHXH có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức công đoàn danh sách các đơn vị nợ BHXH cần khởi kiện, hồ sơ xác định nợ và các tài liệu khác có liên quan để phục vụ việc khởi kiện.
Sau gần 2 năm thực hiện quy chế, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp 2.909 hồ sơ đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (riêng năm 2018 là 887 hồ sơ), Liên đoàn Lao động tỉnh đã nộp 126 hồ sơ khởi kiện cho tòa án, 4 vụ việc đã có quyết định công nhận thỏa thuận của tòa án, với tổng số tiền đã trả nợ sau hòa giải là 1 tỷ 320 triệu đồng. Cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã tích cực phối hợp đôn đốc, thuyết phục các đơn vị sử dụng lao động trả nợ. Nhờ đó, nhiều đơn vị đã chủ động khắc phục hết nợ hoặc cam kết trả nợ theo lộ trình.
Đánh giá về công tác khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng BHXH, ông Đào Việt Ánh cho biết, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, vì vậy BHXH Việt Nam, TLĐLĐVN đã báo cáo kịp thời và được Chính phủ lắng nghe, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ. Tuy vậy, để tổ chức công đoàn có thể thực hiện tốt quyền khởi kiện cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, như: Điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng cho phép công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH các cấp để nắm bắt thông tin, hỗ trợ thực hiện việc khởi kiện…
Các cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi kịp thời, cảnh báo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý địa phương phối hợp để giải quyết, xử lý tình hình vi phạm của các doanh nghiệp trong thực hiện chính sách về BHXH. |