Giao dịch hàng hóa liên thông với thế giới: Tăng tốc ngoạn mục
Sau hơn 3 năm được liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới, trong giai đoạn 2018 - 2021 khối lượng giao dịch hàng hóa thông qua MXV đã tăng trưởng trung bình 50% mỗi năm và đã lập kỷ lục giao dịch mới vào tháng 3/2022. Đây là kết quả khi thị trường hàng hóa biến động rất lớn do cuộc xung đột ở khu vực biển Đen, làm gián đoạn nguồn cung của nhiều mặt hàng quan trọng như dầu thô, khí tự nhiên, nông sản và kim loại. Giá các mặt hàng này đều có những biến động mạnh nhất trong hàng chục năm qua, vừa thu hút dòng tiền đầu tư của các nhà đầu tư, vừa nâng cao vai trò của công cụ bảo hiểm giá đối với các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
Tính từ đầu năm tới nay, khí tự nhiên đang liên thông với Sở NYMEX là mặt hàng tăng giá mạnh nhất tại MXV với mức tăng hơn 80%, có thời điểm lên trên 8 USD trên mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh, là mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Lúa mì Chicago ghi nhận mức tăng 44% và có thời điểm lên mức cao nhất trong lịch sử, trước khi hạ nhiệt. Ngô tăng 38% và dầu thô tăng 35%, cũng là những mặt hàng rất đáng chú ý. So với biến động trung bình trong giai đoạn 2011 – 2021, giá hàng hóa nguyên liệu trong 3 tháng đầu năm nay đã chứng kiến những biến động lớn hơn từ 30 - 50%, và là biến động chưa từng có đối với nhiều loại mặt hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Phó Tổng giám đốc MXV: Mặc dù đã được các sở giao dịch thế giới ghi nhận là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất tại khu vực châu Á, tuy nhiên Việt Nam vẫn là cái tên non trẻ trên bản đồ giao dịch hàng hóa quốc tế. Vì thế, việc tuân thủ các quy định đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trên thế giới sẽ giúp Việt Nam ngày càng hội nhập với hoạt động giao dịch hàng hóa nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. |
Trong bối cảnh này, hoạt động giao dịch hàng hóa đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong nước và quốc tế. Dòng tiền đầu tư liên tục đón đầu xu hướng trên thị trường năng lượng và nông sản, giúp giá trị giao dịch tại MXV có những phiên đạt kỷ lục trên 10.000 tỷ đồng. Trong tháng 4, giá trị giao dịch trung bình đã ổn định trở lại ở mức 4.500 tỷ đồng mỗi ngày, tuy giảm so với tháng 3, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với trung bình cả năm 2021. Trong đó, nhóm nông sản và năng lượng vẫn luôn chiếm khoảng 80% giá trị giao dịch hàng ngày.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng đã thực hiện bảo hiểm giá nguyên liệu đầu vào rất hiệu quả. Trong giai đoạn tháng 2, khi giá các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều như ngô, khô đậu tương và lúa mì có dấu hiệu bước vào xu hướng tăng trong trung và dài hạn, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành bảo hiểm giá (hedging) bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn cho các tàu hàng giao đến hết quý III/2022. Quyết sách đúng đắn này đã giúp nhiều doanh nghiệp chốt giá nhập khẩu thấp hơn từ 25 - 30% so với giá tại thời điểm hiện tại và giúp giảm bớt khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước, vốn đã chịu rất nhiều thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19.
Vai trò của thành viên thị trường
Đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam, không thể không nhắc tới vai trò của các thành viên thị trường. Với 33 thành viên kinh doanh, 4 thành viên môi giới và các văn phòng, chi nhánh khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, MXV đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Các thành viên vừa là đối tác, vừa là những cánh tay nối dài giúp MXV tổ chức thị trường minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Bên cạnh các nghiệp vụ hỗ trợ thành viên, Khối Quản lý thành viên MXV liên tục đôn đốc, nhắc nhở các thành viên thị trường nghiêm túc tuân thủ pháp luật Việt Nam; các quy chế, quy định của MXV và quy định của các sở giao dịch liên thông quốc tế. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc Thường trực MXV - cho biết, mặc dù đã được các sở giao dịch thế giới ghi nhận là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất tại khu vực châu Á, tuy nhiên Việt Nam vẫn là cái tên non trẻ trên bản đồ giao dịch hàng hóa quốc tế. Vì thế, việc tuân thủ các quy định đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trên thế giới sẽ giúp Việt Nam ngày càng hội nhập với hoạt động giao dịch hàng hóa nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung. "Với mục tiêu kép, vừa phát triển thị trường giao dịch nhanh và đột phá, nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và bền vững, vai trò của các thành viên của MXV sẽ rất quan trọng. Các thành viên đã phát triển và mở rộng thị trường rất nhanh trong giai đoạn đầu năm 2022, nhưng cần không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn nữa"- ông Quỳnh cho biết.
Trong năm 2022, với sự phát triển về cả quy mô và chất lượng của thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam, các yêu cầu để trở thành thành viên MXV sẽ cao hơn so với năm 2021. Các khóa đào tạo thị trường cơ bản và đào tạo môi giới nâng cao vẫn sẽ được MXV tổ chức đều đặn hàng tháng. Bên cạnh đó, MXV sẽ tổ chức các khóa tập huấn thành viên trên quy mô toàn quốc trong năm nay, để phổ biến các quy chế, quy định cũng như hướng dẫn các thành viên thực hiện các nghiệp vụ quản lý giao dịch, quản lý rủi ro, thanh toán bù trừ đúng với các quy định của MXV và các sở giao dịch liên thông quốc tế. Liên tục cập nhật và tuân thủ các quy chế, quy định là nền móng giúp thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.
Trong quý I/2022, khối lượng giao dịch tại MXV tăng 31% so với quý IV/2021 và tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng đột phá này đến từ những biến động lịch sử của giá năng lượng, nông sản và kim loại trên toàn thế giới trong giai đoạn đầu năm nay. |