Tại Hội thảo "Giao dịch thương mại trên sàn TMĐT và các vấn đề pháp lý quan trọng" diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) - cho biết: Thay vì kinh doanh theo phương pháp truyền thống, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) đã dần chuyển hướng, chú trọng xây dựng website, vận hành hệ thống kinh doanh qua các công cụ trực tuyến như email, mạng xã hội...
TMĐT tăng trưởng nhanh trong bối cảnh kinh doanh mới |
Nhiều DN đã chú trọng nhiều hơn tới việc chăm sóc, cập nhật thông tin trên hệ thống website của mình. Cụ thể, 47% DN cho biết thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày, 23% DN có cập nhật thông tin hàng tuần. Nhờ sự hỗ trợ từ TMĐT, DN linh hoạt hơn trong hoạt động kinh doanh, tăng khối lượng khách hàng và được tiếp cận gần hơn với công nghệ số 4.0. Đây là tín hiệu rất tốt, nhất là khi chúng ta đang ở trong giai đoạn khó khăn trước tác động của dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Chí Thọ - Giám đốc kinh doanh sàn TMĐT Tiki: Việc hàng loạt DN chuyển hướng kinh doanh TMĐT đã đẩy số lượng tranh chấp tăng lên, mặc dù các sàn giao dịch đã xây dựng bộ phận chăm sóc, giải quyết khiếu nại nhưng phương án này chưa thực sự triệt để và không hiệu quả đối với tất cả các tranh chấp. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi cần có quy định pháp luật rõ ràng với những hình thức giải quyết phù hợp, dứt điểm.
Cơ chế phải bắt kịp thực tế
"Để TMĐT phát triển đúng hướng, các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn, đặc biệt việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp trong quá trình giao dịch cũng là yếu tố cần được chú trọng. Ngoài ra, các dự thảo điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ- CP về TMĐT, nổi bật là các quy định đối với tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch trên các sàn TMĐT, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam, cạnh tranh lành mạnh với các DN trong nước; cũng như quản lý hoạt động, giao dịch của các đối tượng này trên lãnh thổ Việt Nam" - Luật sư Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - chia sẻ.
Hiện nay, nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến (Online Dispute Resolution - ODR) là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án sử dụng trên nền tảng trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Phương thức này đã được sử dụng khá rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới như: Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Pháp, Ủy ban Trọng tài Quảng Châu tại Trung Quốc… Với sự phát triển của Công nghệ 4.0, ODR dần trở thành sự lựa chọn tối ưu trong tương lai. Dự kiến sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Đây cũng sẽ là bước tiến mới trong giải quyết tranh chấp.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM): Để có một môi trường giao dịch TMĐT văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. |