Hội chợ thương mại Việt- Trung Lào Cai
CôngThương - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã chủ trì hội nghị, với sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có biên giới với Trung Quốc và một số bộ, ngành liên quan.
Trong giai đoạn 2006 – 2011, TMBG phát triển mạnh, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh quốc phòng tuyến biên giới phía Bắc.Tuy nhiên, TMBG vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết để thực sự là động lực phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận ba vấn đề nóng trong TMBG, đó là hạ tầng, cơ chế chính sách và công tác thị trường.
Cần cơ chế tài chính mới
Vấn đề hạ tầng cho TMBG hiện rất khẩn thiết, nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh- cho rằng: “Lép về về hạ tầng sẽ dẫn tới lép vế nhiều vấn đề trong TMBG với Trung Quốc”.
Điều này thể hiện rất rõ ở Quảng Ninh. Hiện hệ thống chợ biên giới ở Quảng Ninh có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng trong thời gian tới có thể giảm sút mạnh bởi bên Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng hệ thống chợ biên giới đầy đủ để thu hút thương nhân Việt Nam sang kinh doanh, sự cạnh tranh rất mạnh. Ông Thành cho rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, tình hình sẽ trầm trọng hơn.
Đây cũng là thực tế ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở các địa phương này cũng rất lớn và ngày càng tăng nhưng nộp toàn bộ về Trung ương. Cơ chế tài chính này chưa tạo điều kiện cho địa phương tái đầu tư cho TMBG và được xem là một phần nguyên nhân của tình trạng thu từ TMBG chưa xứng với tiềm năng.
Các địa phương đều kiến nghị, cần trích lại ít nhất 30% nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu để đầu tư cho hạ tầng, thậm chí là 50% như đề xuất của tỉnh Lào Cai và Hà Giang.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, bên cạnh ngân sách nhà nước, các địa phương nên chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng TMBG, nhất là đối với các công trình có khả năng sinh lợi, chính quyền chỉ nên quy hoạch để thu hút đầu tư của doanh nghiệp.
Đặc thù từng địa phương
Khác với thương mại quốc tế, TMBG có tính đặc thù rất cao và chỉ khi phù hợp với thực tế của từng địa phương mới phát huy được hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn- phát biểu: Chính sách TMBG phải có phân cấp mạnh, tạo sự linh hoạt trong điều hành cho các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu biên giới.
Hiện tại chính sách TMBG còn chưa thông thoáng, do đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Thành- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận xét, trong thời gian qua, thủ tục hành đã có nhiều cải thiện, nhưng với đặc thù của TMBG nhiều khi không theo thông lệ và không áp dụng được quy định hiện hành nên cần có thủ tục tương thích, phù hợp.
Theo hướng đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, trước mắt cần phải kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Thương mại biên giới, xây dựng cơ chế quản lý và điều hành linh hoạt từ Trung ương đến địa phương, phân quyền chủ động cho địa phương, sớm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đề án quy chế điều hành và thủ tục hành chính tại các cửa khẩu biên giới đất liền.
Ngoài ra, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần trao đổi với phía Trung Quốc để xây dựng cơ chế hợp tác về thương mại biên giới, như luân phiên tổ chức hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt - Trung thường niên.
“Vào cuộc” về thị trường
Chính sách TMBG của Trung Quốc thay đổi liên tục, do đó tạo ra sự biến động lớn tới thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp làm TMBG của Việt Nam rất yếu về thị trường. Theo ông Nguyễn Chương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu: Cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan từ trung ương đến địa phương để đáp nhu cầu thông tin sâu rộng. Phát triển tốt hệ thống dịch vụ thông tin thị trường, tư vấn kinh doanh… sẽ góp phần tạo chủ động cho doanh nghiệp.
Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay về công tác thị trường. Lạng Sơn hiện đang thực hiện dự án xây dựng cơ sở dữ liệu “Lạng Sơn- Quảng Tây, cơ hội kinh doanh và đầu tư” để cung cấp cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xúc tiến thương mại là nội dung được các địa phương đề cập nhiều nội dung, nhất là chương trình xúc tiến thươmg mại biên giới theo Quyết định 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ về công tác xúc tiến thương mại được các địa phương còn yếu về TMBG đặt nhiều kỳ vọng, nhằm tạo ra cú huých về kiến tạo thị trường cho hàng hoá địa phương. Ông Lê Thành Đô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên- cho biết, với địa phương có nhiều tiềm năng về nông sản như Điện Biên rất cần các chương trình XTTM của Nhà nước để định hình thị trường và tạo kênh trao đổi quốc tế.
Lào Cai nằm trong nhóm địa phương mạnh về kinh tế cửa khẩu, nhưng ông Nguyễn Thanh Dương- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cũng cho rằng, các chương trình XTTM đã góp phần rất lớn trong việc làm mạnh hơn vị thế cầu nối của tỉnh.