Gỡ rào cản trong thanh toán với thị trường Trung Đông và châu Phi
Chủ yếu thanh toán qua trung gian
Với dân số trên 1,6 tỷ người, Trung Đông, châu Phi là thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Thông tin từ Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Trung Đông – Châu Phi là những đối tác kinh tế hết sức quan trọng của Việt Nam, trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường này thì nông thủy sản luôn được coi là nhóm hàng quan trọng và có kim ngạch tăng trưởng cao trong những năm qua.
Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Trung Đông đạt 824,1 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 131,2 triệu USD; xuất khẩu thủy sản sang khu vực Trung Đông đạt 254 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 95,2 triệu USD. Gạo, tiêu, thủy sản, cà phê là những mặt hàng được ưa chuộng ở thị trường Trung Đông; đối với thị trường châu Phi, thủy sản, cơm dừa, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Đông và Châu Phi |
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi về nhu cầu nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường này cũng đang gặp phải một số yếu tố cản trở như bất ổn chính trị, tập quán kinh doanh khác biệt hay tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại. Đặc biệt, các doanh nhân ở những thị trường này thích sử dụng phương thức thanh toán D/P (phương thức nhờ thu trả ngay trong thanh toán quốc tế) và đặt cọc, nên khó khăn trong thanh toán với thị trường Trung Đông - châu Phi vẫn được đề cập đến như một rào cản đối với việc phát triển quan hệ thương mại - đầu tư của Việt Nam với thị trường này
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Đông, doanh nghiệp hai bên chủ yếu hợp tác thanh toán qua các ngân hàng trung gian ở Dubai, Trung Quốc, Singapore hoặc một số nước châu Âu với chi phí trung gian và rủi ro tài chính cao.
Tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin tại buổi hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thanh toán tại thị trường Trung Đông - châu Phiˮ, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 28/11, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại Việt Nam tích cực tìm hiểu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm ăn với thị trường các nước Trung Đông và châu Phi, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện chức năng trung gian thanh toán cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam với thị trường này. Đồng thời, cơ quan này cũng triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác báo cáo, cung cấp thông tin về hoạt động thanh toán, chuyển tiền với thị trường Trung Đông - châu Phi thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, qua báo cáo từ các ngân hàng, những khó khăn về thanh toán qua ngân hàng với thị trường này mặc dù đã bước đầu được xác định nhưng chưa đầy đủ và toàn diện để giúp cho NHNN có thể đánh giá chính xác để từ đó kiến nghị và triển khai các giải pháp hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc thanh toán với đối tác tại thị trường Châu Phi và Trung Đông. Ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - NHNN cho hay, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán cho doanh nghiệp, NHNN đã hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động thanh toán, chuyển tiền đầu tư vào Việt Nam cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài theo hướng tự do hóa đối với các giao dịch này. Hoàn thiện cơ chế trao đổi thông tin chính thức định kỳ giữa các ngân hàng thương mại và NHNN thông qua việc ban hành mẫu biểu báo cáo về quan hệ hợp tác song phương giữa hệ thống NHTM với các quốc gia trên thế giới.
Được biết, NHNN cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với các ngân hàng trung ương khu vực Trung Đông (như Quarta, Iran), ngân hàng trung ương khu vực châu Phi (Mozambique) và đang trao đổi với ngân hàng trung ương Ai Cập về việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong thời gian gần nhất; trao đổi về tiềm năng hợp tác với ngân hàng trung ương Maroc. “Các khuôn khổ hợp tác này là cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý về tiền tệ ngân hàng thiết lập kênh trao đổi thông tin để tìm hiểu hệ thống ngân hàng lẫn nhau cũng như đề ra kế hoạch hợp tác cụ thể”, ông Vũ khẳng định.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác báo cáo, cung cấp thông tin về hoạt động thanh toán, chuyển tiền với thị trường Trung Đông – châu Phi thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam; đồng thời triển khai các nhiệm vụ được giao trong Đề án phát triển quan hệ Việt Nam với thị trường Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 -2025 nói riêng và hoạt động hỗ trợ của NHNN đối với việc thúc đẩy hoạt động thanh toán với thị trường này nói chung trong thời gian tới. |