Phân bổ ngân sách cho dự án hoàn thành trước năm 2021
Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Hà Nội và danh mục lĩnh vực đầu tư cho vay giai đoạn 2021-2025 của Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội được HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 23/9/2021.
Kết quả kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) trong năm 2021, 2022 tại TP. Hà Nội của Kiểm toán Nhà nước xác định, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND có một số nội dung chưa đúng theo quy định tại khoản 1, Điều 14, Luật Đầu tư công.
Cụ thể, Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND thành phố “giao Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách thành phố 4.700 tỷ đồng chung Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững là chưa phù hợp quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 14 Luật Đầu tư công 2019; “không giao cụ thể kế hoạch vốn trung hạn chi tiết cho dự án mà gộp chung vào mục “tổng số” là chưa đúng quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 14 Luật Đầu tư công 2019.
Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội có một số nội dung được cho là chưa đúng Luật Đầu tư công. Ảnh minh họa/nguồn: internet |
Theo Luật Đầu tư công 2019, khoản 1, Điều 14 quy định về “Các nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công”. Trong đó, điểm d, khoản 1, Điều 14 quy định về “Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công”; điểm e, khoản 1, Điều 14 quy định về “Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án”.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra việc, Nghị quyết số số 21/NQ-HĐND của HĐND thành phố phân bổ vốn đầu tư công trung hạn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 cho một số dự án, nhiệm vụ chi đã hoàn thành thuộc giai đoạn 2016-2020.
Cụ thể, thưởng công trình phúc lợi cho nhân dân, cán bộ huyện là 56 tỷ đồng. Hỗ trợ để thanh toán dự án hoàn thành thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (cho dự án đã hoàn thành trước năm 2021 thuộc giai đoạn 2016-2020) số tiền 743 tỷ đồng, trong đó huyện Phú Xuyên là 370 tỷ đồng, huyện Ba Vì là 253 tỷ đồng và huyện Mỹ Đức là 120 tỷ đồng.
Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, quá trình lập phương án phân bổ kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và hàng năm 2021, 2022 của chương trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa tham mưu, xây dựng và trình UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình theo quy định.
Một số nghị quyết giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của HĐND các huyện có thực hiện chương trình chưa nêu cụ thể các dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, danh mục dự án đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công.
Kết luận Kiểm toán cũng xác định đa số cấp huyện giao vốn, giao dự toán ngân sách nhà nước lẫn và hoà chung với kế hoạch đầu tư công của huyện, dẫn tới khó khăn trong việc quản lý, theo dõi và tổng hợp nguồn vốn ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư và tình hình quyết toán kinh phí của chương trình tại địa phương.
Không đủ căn cứ tổng hợp ngân sách đã rót cho chương trình
Theo Kết luận Kiểm toán, số liệu kinh phí của chương trình do Sở Tài chính cung cấp là kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện chương trình, không gồm ngân sách cấp huyện, xã.
Thực tế, nhiều huyện, xã bố trí nguồn lực từ ngân sách huyện, xã danh cho chương trình. Tuy nhiên, tại các nghị quyết của HĐND huyện, quyết định của UBND huyện, xã không giao cụ thể cho chương trình, mà hòa chung vào kế hoạch đầu tư công của huyện, xã. Do vậy, không có căn cứ, cơ sở để theo dõi, tổng hợp toàn bộ vốn của từng cấp ngân sách hỗ trợ cho chương trình.
Qua đối chiếu tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho thấy, một số nội dung chi, mã chi cho dự án ở cấp huyện, xã được gắn mã chương trình hệ thống nhưng tại các quyết định giao dự toán của cấp thẩm quyền không giao cụ thể (nêu rõ) và gắn vào chương trình.
Tại huyện Thanh Oai, Kiểm toán Nhà nước xác định đã chi bồi dưỡng trách nhiệm Ban chỉ đạo (27 người) và Tổ giúp việc (16 người) trong năm 2021 và 2022 với giá trị 511 triệu đồng theo cơ chế hỗ trợ Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 được quy định tại Quyết định số 1961/QĐ-UBND ngày 14/5/2016 của UBND TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, tại Công văn số 9171/VP-KT ngày 7/10/2016 của Văn phòng UBND TP. Hà Nội, về việc chế độ bồi dưỡng trách nhiệm đối với cán bộ tham gia Chương trình số 02-Ctr/TU ngày 26/4/2016 của Thành uỷ có nêu “giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tổng hợp, đề xuất UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố theo hướng trình chung với các nội dung liên quan, các chương trình của Thành uỷ báo cáo UBND thành phố quy định". Đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này của cấp có thẩm quyền.
Đối với công tác tổng hợp báo cáo tình hình quyết toán kinh phí hằng năm của chương trình, tính đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố chưa nhận được tài liệu về số liệu quyết toán theo quy định của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao dự toán chi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2021, 2022 (gồm UBND cấp huyện, sở ngành của thành phố được giao dự toán).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ tổng hợp tình hình, số liệu về nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình (căn cứ trên các báo cáo của các đơn vị gửi về) nhưng không có đầy đủ các căn cứ, cơ sở để đối chiếu.
Theo Báo cáo số 98/BC-SNN ngày 14/4/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu về nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ chương trình năm 2021, 2022 bao gồm cả ngân sách thành phố, ngân sách huyện, ngân sách xã. Tuy nhiên, tại các báo cáo của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, số liệu về nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ chương trình chỉ là ngân sách thành phố giao. Các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư không đủ cơ sở theo dõi và tổng hợp riêng của chương trình do ngân sách huyện, xã không được cấp thẩm quyền giao cụ thể (tách riêng) cho chương trình theo quy định…