Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – cho biết: Lớp đào tạo Trang bị tâm thế - nâng cao năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô được thực hiện trong 4 ngày gồm 10/8, 17/8, 29/8 và 14/9. Đây là một trong 4 kỳ đào tạo của Chương trình chuyên gia trong nước và nước ngoài phổ biến kiến thức, tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các DN Hà Nội do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tổ chức thực hiện.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu của các DN đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu là hết sức cần thiết. Do đó, việc tổ chức chương trình đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng tiếp cận, sẵn sàng đón nhận và đáp ứng được với các đơn hàng của đối tác, hợp tác thuận lợi với các nhà nhập khẩu, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm, linh kiện ra thế giới, trong đó có thị trường Nhật Bản.
Ông Otsuka Tetsuhisa – Giám đốc Công ty CP CN Network Việt Nam – chia sẻ: “Chúng tôi tạo ra chuỗi đào tạo này không phải sẽ giúp các DN sẽ tìm ra ngay lời giải, ra ngay đáp án cho DN mình. Mà từ những thông tin nền tảng cơ sở đến những thông tin công nghệ kỹ thuật mới đang được áp dụng triển khai trên thế giới, cùng sự kết nối giữa các DN Việt Nam với nhau và sự hợp tác với DN Nhật Bản, từ đó, DN tìm ra phương pháp quản trị, phương án sản xuất, định hướng sản phẩm, thị trường riêng cho DN mình”.
Do đó, chương trình đào tạo được bắt đầu từ việc mỗi DN định hình lại vị trí của mình, của DN mình ở đâu, cho đến việc tiếp cận với các hàng sản xuất có bề dày lịch sử của Nhật Bản, qua những buổi tham quan nhà xưởng, để có những phân tích rút ra bài học thực tiễn. Tuy nhiên, tính quyết định vẫn là sự nhận thức, sự quyết tâm từ DN để hưởng ứng tích cực, đồng hành đến cùng chương trình. “Chúng tôi tin tưởng trong thời gian 1 năm, 2 năm, 3 năm chúng ta chắc chắn sẽ có cụm chi tiết made in Việt Nam được lắp rắp vào ô tô được chạy trên đường của Việt Nam hay cả trên thế giới”, ông Otsuka Tetsuhisa nói.
Hơn 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đã tham dự chương trình |
Cùng với việc nâng cao năng lực kỹ thuật thì việc tiếp cận nhanh những phương thức quản trị tiên tiến nhằm mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, đưa các thương hiệu Việt ngày một lớn mạnh, vươn ra biển lớn là hết sức quan trọng. Theo ông Nguyễn Đăng Minh - Chủ tịch hội đồng chuyên môn Viện Quản trị Tinh gọn GKM, quản trị tinh gọn “made in Việt Nam” sẽ là hành trang cho ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu. Trong đó, tâm thế của mỗi DN là yếu tố quyết định sự thành công của mỗi DN.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Minh cho hay, tư duy quản trị tinh gọn “made in Vietnam” là tư duy quản trị tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị gia tăng cho DN, tổ chức bằng cách dùng trí tuệ của con người hoặc trí tuệ của tổ chức, cắt giảm tối đa chi phí lãng phí. Trong đó, chi phí lãng phí tồn tại dưới hai hình thức là chi phí lãng phí vô hình và chi phí lãng phí hữu hình. Chi phí lãng phí hữu hình phổ biến và khá dễ nhận dạng trong quá trình sản xuất kinh doanh như dư thừa kho bãi, máy móc thiết bị không sử dụng hết công suất, lãng phí do sai hỏng… Còn chi phí lãng phí vô hình là điều mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Nó là những chi phí lãng phí trong tư duy như: tầm nhìn, cách thức triển khai công việc, cơ hội phát triển, phương pháp làm việc… Chi phí lãng phí này được cho là nhiều hơn đáng kể so với các lãng phí hữu hình”.
Theo các chuyên gia, với vai trò kết nối của cơ quan quản lý nhà nước và NC Network, các hiệp hội như Hanshiba, Vasi chắc chắn sẽ có những kết nối thực tế hơn nữa để sản phẩm mỗi DN, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia được chuỗi thành phẩm toàn cầu.