Mức độ ô nhiễm biểu hiện rõ nhất ở 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tiếp đến là các đô thị loại I. Nhóm các đô thị còn lại có mức độ ô nhiễm thấp hơn., Tuy nhiên, với sự nỗ lực của UBND TP. Hà Nội và chính quyền các địa phương, chất lượng môi trường tại một số khu vực đô thị đã có sự cải thiện rõ rệt.
Điểm nhấn ấn tượng trong công tác bảo vệ môi trường
Ngoài việc phải nhận lượng chất thải và khí thải ô nhiễm từ các khu công nghiệp, khu vực đô thị cũng là nơi chi phối vấn đề môi trường rất lớn tại Hà Nội. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó chất lượng môi trường đô thị bị ảnh hưởng, tồn tại một số vấn đề môi trường bức xúc mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Chính vì thế, việc UBND TP. Hà Nội triển khai các dự án, chương trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, nạo vét, khai thông, cải tạo cảnh quan các sông, hồ nội thành đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng môi trường nước tại một số đô thị lớn. Với 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định, 8 trạm cảm biến) và 6 trạm quan trắc nước mặt (tại Hồ Tây, Hồ Gươm, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Cầu Bây và suối Lai Sơn) được lắp đặt và đưa vào vận hành trong năm 2017, Hà Nội đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về hệ thống quan trắc môi trường tự động.
Theo đó, số liệu quan trắc không khí và nước mặt được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND thành phố và Sở TN&MT. Phấn đấu trong năm 2018, Hà Nội sẽ hoàn thành đầu tư 70 trạm quan trắc không khí (10 trạm quan trắc cố định tự động liên tục, 60 trạm cảm biến và 1 xe quan trắc tự động lưu động); 4 trạm quan trắc nước mặt, 1 xe quan trắc nước di động; 6 trạm quan trắc nước dưới đất; Nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm môi trường (không khí, nước mặt) để xác định nguồn ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí và nước mặt.
Bên cạnh đó, việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn cũng được UBND thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, đề án bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề nhằm tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố; tăng cường năng lực quản lý giám sát và khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường mới; nâng cao nhận thức cộng đồng làng nghề gắn sản xuất với trách nhiệm về môi trường... cũng đã mang lại những tác động vô cùng tích cực cho bộ mặt thành phố.
Ngoài ra, Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn là dự án đốt rác phát điện đầu tiên tại Việt Nam, hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản xử lý hiệu quả chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại đồng thời sản xuất được nguồn năng lượng sạch cũng đã mang lại những tác động vộ cùng tích cực cho bộ mặt thành phố.
Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh
Theo Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về triển khai thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN đến năm 2025, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng trọng tâm cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân.
Cụ thể là tăng cường hợp tác khu vực nhằm bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiểm soát nghiêm ngặt nguồn ô nhiễm trong sản xuất; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tạo cơ chế khuyến khích các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm hồ ao, mặt nước, ô nhiễm đất; giáo dục bảo vệ môi trường tới toàn dân. Tăng cường việc nâng cao năng lực nhằm quản lý bền vững hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững; kế hoạch hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, chú trọng đến công tác quản lý, xử lý rác thải, nguồn xả thải từ các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án môi trường, nhất là các dự án xử lý rác thải, nước thải tại các khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề góp phần đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Tăng cường giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức và năng lực về môi trường trong việc thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hướng tới xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
Thành phố cũng tập trung xây dựng cộng đồng có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì một môi trường bền vững với sự tham gia của chính quyền, cộng đồng, khu vực tư nhân và các đối tác quốc tế. Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững với việc áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, quản lý rác thải và sử dụng nhiên liệu hiệu quả...
Do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội quá mạnh mẽ, ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề nổi cộm, tiếp tục đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý môi trường. Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác khắc phục, kết hợp tuyên truyền nhằm kêu gọi sự chung tay góp sức và ý thức từ chính người dân và các doanh nghiệp.