CôngThương - Đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm nay là cà phê (tăng 24,2%), xăng dầu (tạm nhập, tái xuất (tăng 96,7%), hàng thủ công mỹ nghệ (tăng 21%). Tuy nhiên, có một số mặt hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là: chè (giảm 1,3%), hàng điện tử (giảm 14,9%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 11,9%). Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội hiện nay là Trung Quốc (chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), Hoa Kỳ (chiếm 10,2%), Nhật Bản (chiếm 9,8%) và Campuchia (chiếm 7,6%). Từ đầu năm đến nay, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Hà Nội đều có mức tăng trưởng và mức tăng cao hơn so với chỉ tiêu 14% mà HĐND thành phố giao. Đáng mừng là giá thị trường thế giới một số mặt hàng: hạt tiêu tăng 67,8%, cà phê tăng 53,9%, xăng dầu các loại tăng 39,6%, chè tăng 5,1%, gạo tăng 4,3%, than đá tăng 20,4% làm kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ tăng cao cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Hà Nội đang tập trung đầu tư để xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đặc biệt chú trọng phát triển các nhóm sản phẩm mặc dù còn đang chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu nhưng có giá trị gia tăng lớn, tốc độ tăng trưởng cao, có tiềm năng xuất khẩu là đồ gỗ, vật liệu xây dựng, túi xách, thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Tiến- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khó khăn lớn để Hà Nội đẩy mạnh xuất khẩu vẫn là chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao, lãi vay ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thu gom xuất khẩu; các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện - điện tử… bị thiếu nhân công. Hơn nữa, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội (41,9%), bị tác động từ thiên tai tại Nhật Bản làm giảm xuất khẩu mặt hàng chính là linh kiện máy tính và điện tử (giảm 15%). Bởi vậy, ông Tiến cho rằng, trong 3 tháng còn lại của năm 2011, các doanh nghiệp Hà Nội cần gấp rút đẩy mạnh xuất khẩu nhằm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu (thuế, hải quan, cấp phép); rút ngắn thời gian thông quan, nhất là đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu; rút ngắn thời gian quyết toán thuế, hoàn thuế VAT và thời gian giải quyết thủ tục cho DN trong việc cấp phép dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khai báo thủ tục hải quan, kê khai thuế qua mạng internet.
Dự báo từ nay đến cuối năm, nếu các nếu các DN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã đạt được thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 của Hà Nội sẽ đạt 10,306 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2010, góp phần làm giảm mức nhập siêu cả năm 2011 của thành phố xuống thấp hơn năm 2010.