Lực lượng chức năng đang kiểm tra hộ nấu rượu thủ công do ông Lại Văn Bằng (thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) làm chủ |
Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ rượu không nguồn gốc
Ngày 11/3, Đội QLTT số 25 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với UBND xã Hồng Phong và các ngành chức năng trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra hộ nấu rượu thủ công do ông Lại Văn Bằng làm chủ (thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 5 téc inox chứa các loại rượu, trong đó, rượu trắng 2.200 lít đựng trong 3 téc, nếp cẩm 800 lít đựng trong 1 téc, nếp cái 800 lít đựng trong 1 téc. Kiểm tra giấy tờ, ông Lại Văn Bằng không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Đội QLTT số 25 đã tạm giữ số rượu trên và gửi mẫu về Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm chất lượng của 3 mẫu rượu trên.
Trước đó, lực lượng QLTT Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, đặc biệt là rượu thủ công. Chỉ riêng trong ngày 10/3, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, đặc biệt là rượu thủ công, trong đó, đã thực hiện kiểm soát đối với nhiều cơ sở và kiểm tra đối với 25 cơ sở. Theo đó, đã xử lý 14 vụ, đang xử lý 11 vụ, phạt tiền 56,1 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 19,727 triệu đồng. Tạm giữ, tịch thu gần 12.241 lít rượu và 70 chai rượu các loại.
Đáng chú ý là trong ngày 10/3, Đội QLTT số 17 đã kiểm tra cơ sở kinh doanh cồn rượu ở thôn Tân Độ, xã Hồng Minh, Phú Xuyên, Hà Nội đã tạm giữ 61 phuy loại 160 lít, tương đương 9.760 lít cồn và lấy mẫu hàng hóa trên để giám định chất lượng. Hiện toàn bộ hồ sơ của vụ việc này đã được lực lượng QLTT ban giao cho Công an thành phố thụ lý và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tập trung kiểm tra, kiểm soát rượu thủ công
Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, rượu là mặt hàng hạn chế kinh doanh, do đó, trong những năm vừa qua, Chi cục QLTT Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề liên quan đến rượu lậu, rượu giả. Theo đó, trong năm 2015, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 82 vụ, xử phạt hơn 600 triệu đồng, tịch thu 138 nghìn lít rượu; trong năm 2016, kiểm tra 138 vụ, xử phạt hơn 800 triệu đồng, tịch thu hơn 3.500 chai rượu.
Trước tình trạng ngộ độc rượu liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, Chi cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo tập trung toàn lực lượng kiểm tra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu lưu thông trên thị trường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến mặt hàng rượu thủ công. Kết quả, chỉ trong 7 ngày (từ 4-10/3), đã kiểm tra 158 vụ, tạm trữ, tịch thu 17.271 lít rượu và 155 chai rượu các loại, xử phạt 258,55 triệu đồng.
Theo thông tin do cơ quan chức năng cung cấp, hiện nay trên thị trường đang lưu hành các mặt hàng rượu nhãn hiệu “Duy Hảo” có thể là nguyên nhân chính gây nên hàng loạt vụ ngộ độc rượu methanol trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe người dân, trong ngày 10/3, Chi cục QLTT Hà Nội đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Đội trưởng các Đội QLTT khẩn trương tập trung tổng kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu thủ công lưu thông trên thị trường. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện cơ sở nào kinh doanh mặt hàng rượu “Duy Hảo”, tổ chức kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định tạm giữ toàn bộ số rượu theo thầm quyền và báo cáo ngay lãnh đạo chi cục để được chỉ đạo kịp thời.
Bên cạnh việc tổng lực kiểm tra kiểm soát thị trường mặt hàng rượu thủ công, theo ông Trần Việt Hùng, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền về vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng rượu; đồng thời, khuyến cáo người dân mua hàng hóa có nguồn gốc tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng uy tín.
TIN LIÊN QUAN | |