Hà Tĩnh không còn cá nhiễm độc
Tổ công tác trao đổi với đại lý thu mua hải sản tồn kho ở huyện Lộc Hà |
Tại đây, Tổ công tác đã được ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - đưa đến thăm và kiểm tra một số kho đông lạnh của các đại lý thu mua hải sản ở huyện Lộc Hà. Báo cáo với Tổ công tác, ông Khánh cho biết, theo kết quả kê khai bồi thường thiệt hại, bước đầu, toàn tỉnh có 6.983 tàu cá, 2.259ha ao, hồ nuôi, bãi triều, 31.692m3 lồng bè, 127ha muối, 47.960 lao động bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Giá trị thiệt hại sau kê khai, áp giá là 1.947,24 tỷ đồng. Đến hết ngày 14/11/2016, các địa phương đã phê duyệt 596,32 tỷ đồng. Hội đồng cấp tỉnh đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 396,17 tỷ đồng.
Hiện nay, hoạt động khai thác thủy sản đang phục hồi và dần đi vào ổn định với trên 70% tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động; trên 85% tàu trên 90 CV đã ra khơi. Sản phẩm đánh bắt đã được thu mua hết...
Kiểm tra thủy sản tạm trữ tại một đại lý thu mua hải sản ở huyện Lộc Hà |
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 2.400 tấn cá tồn đọng được thu mua tạm trữ đang tồn kho và được niêm phong từ tháng 10/2016 sau sự cố Formosa, trong đó có 300 tấn bị nhiễm kim loại nặng như phenol và cadmium vượt mức cho phép phải tiêu hủy. Ngày 15/12, UBND tỉnh đã chỉ đạo tiêu hủy 275 tấn cá, số còn lại tiêu hủy vào sáng nay (16/12).
Để chứng minh cho quyết tâm của tỉnh, ngay sáng 16/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa đến thị sát trực tiếp điểm tiêu hủy hải sản tại bãi rác thuộc xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà. Theo quan sát của phóng viên, việc chôn lấp, tiêu hủy cá nhiễm độc đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc. Toàn bộ số hải sản được tiêu hủy theo hình thức chôn lấp, rải vôi và phun thuốc khử khuẩn Chloramin B theo quy định. Để tránh tình trạng có người hoặc thú vật đào bới, UBND tỉnh còn cử người canh gác.
Về tiêu thụ sản phẩm tồn kho, chủ cơ sở thu mua hải sản ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cho rằng, Chính phủ, chính quyền địa phương đã vào cuộc rất kịp thời, vì vậy ngư dân và những hộ kinh doanh hải sản rất yên tâm. Các hộ thu mua hải sản ở Hà Tĩnh chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Nhà nước trong việc niêm phong, phân loại hải sản. Đối với số hải sản còn tồn kho rất mong được hỗ trợ tiêu thụ sau khi cá được công bố an toàn..
Kiểm tra việc tiêu hủy cá ở bãi rác xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà |
Trao đổi với các đại lý thu mua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã trao đổi với địa phương về giá đền bù và chủ trương hỗ trợ tiêu thụ hải sản an toàn.
Với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phóng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc của tỉnh trong việc chấp hành yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là tiêu hủy toàn bộ hải sản nhiễm độc, bảo đảm an toàn cho người dân. Bộ trưởng khẳng định: Hà Tĩnh không còn cá nhiễm độc, 2.100 tấn hải sản đang tồn kho đảm bảo ATTP, tỉnh phải hỗ trợ người dân, đưa ra thị trường tiêu thụ, không được tiếp tục để tồn kho làm chất lượng hải sản xuống cấp dẫn đến hư hỏng....